Đến LHP không chỉ để vui
VHO- LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ V đang diễn ra trong điều kiện thời tiết đẹp nhất trong năm của Hà Nội. Heo may cuối thu vừa đủ se lạnh để hương hoa sữa nồng nàn hơn níu giữ cảm xúc của những vị khách quốc tế lần đầu đến Hà Nội. Ở tuổi thứ 5, HANIFF được gọi là trẻ, thậm chí rất trẻ. Trẻ nhưng thu hút trên 140 phim từ hơn 40 nền điện ảnh thế giới tham gia, trong đó có nhiều phim đoạt giải Cành cọ vàng, Sư tử vàng, Oscar… đủ thấy giới chuyên môn quốc tế dành cho LHP trẻ này sự trọng thị đáng ghi nhận.
Các nghệ sĩ tại thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần V Ảnh: Tr. HUẤN
Khác với 4 kỳ LHP trước, LHP lần này không có sự náo nhiệt, sắc màu bề nổi dù vẫn đầy đủ các chương trình thịnh soạn, vẫn thảm đỏ với sự xuất hiện của giới showbiz hào nhoáng. Không tham gia vào sự kiện thảm đỏ, hàng chục nghệ sĩ điện ảnh thế hệ trước chọn lối đi bên cạnh để vào tiền sảnh khán phòng nơi diễn ra lễ khai mạc.
Vẫn là những gương mặt đã gặp ở 4 kỳ HANIFF trước và ở các LHP VN hàng chục năm qua. Những gương mặt đã nhiều nếp nhăn hơn, nụ cười không còn rạng rỡ; những ánh mắt thoáng chút ngậm ngùi, tiếc nuối… nhưng những cái ôm thì thật chặt. Chụp hình, hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình rồi nhìn ra phía thảm đỏ hỏi nhau về tương lai của điện ảnh Việt.
Cụm từ “bàn giao thế hệ” được các nghệ sĩ điện ảnh đề cập từ hơn 20 năm trước lại được nhắc đến. Không khí trầm hơn một chút khi quanh họ vẫn là những người cũ, mỗi năm một già đi, một vài người tham dự LHP kỳ trước đã không còn… Những gương mặt mới, những người đang tham gia mạnh mẽ vào thị trường sản xuất phim dường như quá bận rộn nên ít khi xuất hiện trong những sự kiện này. Nếu có chỉ là bay vội ra, xuất hiện trên thảm đỏ lộng lẫy, hào nhoáng mươi phút như một cách PR hình ảnh rồi lại mất tăm vào guồng công việc cạnh tranh sát ván… ngoài rạp. Một vài nghệ sĩ trẻ ở phía Bắc cũng né lễ khai mạc và các sự kiện ồn ào, còn tuyên bố: “sợ hội thảo”, chỉ đến rạp xem phim để “học hỏi”.
Rạp chiếu phim cũng là nơi mà thế hệ các nghệ sĩ già chọn làm điểm đến nhiều nhất trong thời gian diễn ra LHP. Bởi lẽ: “HANIFF là cơ hội để chúng tôi được tiếp cận với các nền điện ảnh mà từ rất lâu rồi chúng tôi không được xem phim của họ, không biết điện ảnh của họ đã phát triển cỡ nào. Như điện ảnh Hungary, Ba Lan… Xem mới thấy, điện ảnh thế giới không chỉ có Hollywood, Trung Quốc, Hàn Quốc như những gì ta thấy ngoài rạp hiện nay mà nhiều “đỉnh cao” thuộc về các nền điện ảnh đã không còn được chiếu tại VN”. Bà Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM chìa tấm thẻ BTC hỏi: “Cái thẻ này vào xem phim được đúng không? Tôi ở lại HN đến cuối LHP, dành hết thời gian để xem những phim của Ba Lan, Hungary, Iran…”.
Các nghệ sĩ quốc tế tại thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần V Ảnh: Tr. HUẤN
“Học thầy không tày học bạn”, học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp thông qua những tác phẩm xuất sắc của họ là con đường ngắn để các nhà làm phim VN trưởng thành hơn và bước xa hơn ra khỏi thị trường VN. Thế nhưng dường như các nhà làm phim trẻ ở ta ít quan tâm đến việc “học tập” nhau từ các LHP. Lý do đưa ra là… bận, không có thời gian… Và cũng bởi ảnh hưởng của phim Hollywood, cách làm phim Hollywood từ các nhà làm phim Việt kiều trở về từ Mỹ đã ngấm và ảnh hưởng mạnh đến thị trường sản xuất. Rất nhiều bộ phim VN ra đời thời gian qua quảng bá ồn ào nhưng chất lượng thật sự chỉ mới đáp ứng được nhu cầu giải trí của số đông khán giả trẻ, chưa kể những bộ phim thảm họa về chất lượng với những công bố ảo về doanh thu.
Mặc kệ, với nhiều người làm phim hiện nay, đã dấn thân vào cuộc chơi tốn kém –nghệ thuật thứ bảy- phải tính đến đầu ra, đến doanh thu và giá trị của nghệ sĩ cũng được đo bằng con số doanh thu ngoài rạp… nên thay vì đến các sự kiện để học hỏi kinh nghiệm từ phim của đồng nghiệp quốc tế; học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ các cuộc giao lưu với các nhà làm phim quốc tế; đến để chia sẻ và biết ta đang đứng ở đâu trên bản đồ điện ảnh quốc gia, thế giới… thì chỉ tự đóng cửa học tập theo cách của riêng mình và coi việc phim có doanh thu cao, được nhà đầu tư lựa chọn… là giá trị để tôn vinh bản thân.
Cũng chính vì thế mà thấy chạnh lòng khi một LHP tầm quốc tế, được chuẩn bị kỹ lưỡng như HANIFF lần thứ V vẫn tiếp tục vắng mặt những nhà làm phim, những nghệ sĩ đang “tay dao tay thớt” trong lĩnh vực làm phim. Chợt nghĩ, sao ở lĩnh vực A, B cứ phải tốn kém bạc tỉ ra nước ngoài hỏi kinh nghiệm nhỉ… trong khi kinh nghiệm mang đến sát mình thì lại hững hờ. Đến LHP không phải chỉ để vui, để dạo bước trên thảm đỏ với những lời tung hô được chuẩn bị sẵn nhằm tạo không khí… mà quan trọng đã đi thì phải xác định mình học được gì từ sự kiện này.
CHU THU HẰNG