Để tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi
VHO- Chúng ta đã quá quen thuộc với câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi!”. Và trên thực tế, trong nhiều năm trước đây, việc khởi động công việc chậm chạp trong tháng Giêng là chuyện có thật. Những công điện của Thủ tướng, văn bản chỉ đạo của ngành văn hóa, của các địa phương trong việc nghiêm cấm sử dụng xe công đi lễ, đốc thúc công việc đầu năm cứ “đến hẹn lại lên” như là một cảnh báo cho thấy “tháng ăn chơi” bắt đầu một cách tai hại như thế nào!
Đúng là dịp đầu năm có rất nhiều điều kiện thuận lợi để người dân nảy sinh tâm lý “ăn chơi”. Sau một năm lao động vất vả, Tết chính là dịp ai nấy xả hơi, nghỉ ngơi. Nhiều người mong muốn có thêm thời gian rảnh rỗi để bù đắp những tháng ngày bận rộn công việc. Đây cũng là lúc để thăm viếng lẫn nhau, kết nối lại tình cảm mà trong những ngày bình thường không phải lúc nào cũng đến với nhau được. Các cuộc tụ tập trong tháng Giêng chính là vì lý do như thế! Khởi đầu một năm mới với nhiều kỳ vọng, ai cũng mong muốn có một điểm tựa tinh thần vững chắc để có thể tự tin hơn thực hiện những kế hoạch vạch ra từ những ngày đầu tiên. Người dân tìm đến các thiết chế tâm linh như đình, đền, chùa để cầu may, làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn… Các lễ hội đầu xuân tưng bừng mở khắp nơi tiếp tục tiếp sức để người dân tìm đến điểm tựa tâm linh. Thói quen truyền thống này cứ thế tiếp diễn qua thời gian!
Tuy nhiên, kể từ năm Covid thứ nhất (2020) khiến chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo hơn về thói quen truyền thống khó bỏ này. Rõ ràng, bối cảnh xã hội khác nhau đòi hỏi phải thay đổi một số thói quen không phù hợp. Chúng ta đang sống trong một xã hội công nghiệp đòi hỏi một tác phong công nghiệp. Hơn thế, sự phát triển đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, trong đó có quá trình cạnh tranh quốc tế gay gắt. Xếp hạng Việt Nam trên thế giới đang có những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, không phải vì thế mà chúng ta chủ quan, không đánh giá và nhìn nhận một cách nghiêm túc về những mặt được và chưa được của mình, từ đó có những thay đổi cho phù hợp với lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại. Một số người, vì lo ngại “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, đã có những đề xuất gộp tết Tây vào Tết ta. Dĩ nhiên, với tư cách là người làm công việc liên quan đến văn hóa, tôi chắc chắn không đồng ý với đề xuất như vậy, vì Tết rất thiêng liêng đối với người Việt, chuyên chở rất nhiều giá trị, ý nghĩa mà chúng ta cần phải gìn giữ và là môi trường để xác định và củng cố bản sắc văn hóa dân tộc. Tết không phải là nguyên nhân chính gây ra suy giảm năng suất lao động. Thậm chí, nếu chúng ta biết tận dụng những lợi thế do Tết mang lại thì chính Tết còn tạo ra động lực cho sự phát triển đất nước.
Nhưng rõ ràng, độ ỳ hay quán tính nghỉ ngơi dịp Tết chắc chắn là điều chúng ta cần thay đổi. Thích ứng với trạng thái mới của dịch bệnh Covid-19 cũng là lúc chúng ta nghĩ nhiều hơn đến việc thay đổi những thói quen không phù hợp. Chính vì thế, Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2011 là hết sức cần thiết để chấn chỉnh thói quen “tháng Giêng là tháng ăn chơi” vốn tồn tại dai dẳng trong xã hội. Thay đổi thói quen đi lễ hội liên miên, rầy rà; hạn chế tiệc tùng tân niên không cần thiết; bắt tay ngay vào công việc chính là cách thiết thực để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cũng là cách thiết thực nhất để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN