Để không ai phải trải qua nỗi đau này

VHO- Hôm qua 25.7, với chủ đề Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống, lần đầu tiên trong lịch sử Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về phòng, chống tai nạn đuối nước.

Để không ai phải trải qua nỗi đau này - Anh 1

Ở Việt Nam, đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ. Vừa mới đây thôi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do đuối nước khi chơi bể bơi phao tại nhà. Chỉ khoảng 10 phút không có sự giám sát, gia đình đã phát hiện bé nằm úp mặt xuống đáy bể bơi phao chỉ với mực nước khoảng 50cm. Rất may mắn, sau một tuần điều trị và chăm sóc đặc biệt, sức khỏe bé đã ổn định và được ra viện.

 Đó chỉ là một trong số những trường hợp may mắn được cứu sống, còn rất nhiều trường hợp trẻ đuối nước khi tắm ở ao, hồ, bể bơi, thậm chí do chơi đùa với xô, chậu, bồn tắm, bể bơi phao hoặc vật dụng chứa nước ở gia đình mà gây ra những cái chết rất thương tâm, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình.

Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước; hơn 90% các tai nạn đuối nước xảy ra tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Con số nghiêm trọng này còn chưa bao gồm số người tử vong do tai nạn giao thông đường thủy và thảm họa, thiên tai. Nước ta mặc dù có kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm nhưng theo ước tính năm 2020 vẫn có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Với hệ thống khung pháp lý ngày càng hoàn thiện cùng những can thiệp như dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước được áp dụng triển khai ngày càng rộng khắp trên toàn quốc, phòng chống đuối nước là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại Việt Nam.

Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về phòng, chống đuối nước không chỉ nhấn mạnh ảnh hưởng to lớn của đuối nước đến sự an toàn và sinh mạng của người dân mà còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Một chuyên gia y tế đã phải thốt lên đau xót, mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu, và không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó, không ai phải trải qua cả. Để tăng cường các chương trình phòng, chống đuối nước, những biện pháp can thiệp có hiệu quả đã được triển khai phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Từ thiện Bloomberg, sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, chương trình phòng, chống đuối nước đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất trên toàn quốc. Chương trình đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và phổ biến trên toàn quốc.

Với thông điệp: Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống và mọi người đều có vai trò trách nhiệm trong việc phòng, chống đuối nước, mỗi gia đình tại Việt Nam đều có thể góp phần thiết thực để “nói không” với đuối nước bằng cách giám sát trẻ an toàn, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước. 

NGUYỆT MINH

Ý kiến bạn đọc