Đặt bảng hiệu tiếng nước ngoài, phải tăng chế tài xử phạt

VH- ​Lâu lâu lại thấy đâu đó chính quyền ra quân xử lý các cơ sở quảng cáo, đặt bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài sai quy định. Mới đây nhất, UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã xử phạt hàng loạt cơ sở quảng cáo, đặt bảng hiệu tiếng nước ngoài trái quy định.

Hiện nay, pháp luật đã quy định rất cụ thể về quảng cáo, đặt bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài những hành vi vi phạm như quảng cáo sản phẩm hàng hóa không thể hiện tiếng Việt, ghi tiếng nước ngoài có khổ chữ quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt trên bảng hiệu… cùng với đó các chế tài xử lý vi phạm kèm theo. Tuy nhiên, ở một số địa phương việc ra quân xử lý dứt điểm các vi phạm còn khá ít, không thường xuyên nên tình trạng vi phạm ngày càng tăng.

Có thể nói, để xảy ra tình trạng trên một phần là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân còn hạn chế. Một số người thấy người khác làm nhưng không bị xử lý nên “bắt chước” làm theo mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, chế tài về hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, nhiều vụ việc xử lý không nghiêm minh, chưa triệt để nên dẫn đến “nhờn luật”, coi thường pháp luật, một số cá nhân, tổ chức đã bị xử lý nhưng vẫn tái phạm nhiều lần!

Vì vậy, để giải quyết dứt điểm hành vi quảng cáo, đặt bảng hiệu nước ngoài sai quy định cần tăng mức tiền phạt và bổ sung một số chế tài khác đủ mạnh như cấm kinh doanh một thời gian, thu hồi giấy phép... Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định pháp luật về việc sử dụng quảng cáo, đặt bảng hiệu tiếng nước ngoài như thế nào cho đúng quy định, không vi phạm pháp luật

Đặc biệt phải tuyên truyền, giải thích cho người dân biết được vì sao có trường hợp sử dụng bảng hiệu tiếng nước ngoài nhưng không vi phạm pháp luật. Đó là trường hợp “nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt...” (Khoản 1 Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012) thì không bị xử lý. Đồng thời, hướng dẫn người dân phải “ghi tiếng nước ngoài có khổ chữ nhỏ hơn 3/4 khổ chữ tiếng Việt trên bảng hiệu” để không vi phạm...

Như vậy, người dân sẽ hiểu được trường hợp nào sử dụng tiếng nước ngoài không vi phạm pháp luật, trường hợp nào sử dụng lại vi phạm pháp luật để người dân biết thực hiện.

Điều này đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định khi những quảng cáo, bảng hiệu tiếng nước ngoài vi phạm tràn lan mà không được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, hạn chế, giải quyết những bức xúc, phẫn nộ của người dân khi họ nhầm lẫn giữa việc người này sử dụng tiếng nước ngoài thì không bị xử lý, còn người kia lại bị xử lý...

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc