Dám nghĩ, dám làm và những hệ quả
VHO- Gần đây báo chí, dư luận và lãnh đạo cấp cao nhắc nhiều đến tình trạng không ít cán bộ, công chức thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, sợ khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm, sống co thủ, cầu an… Vì họ như những “linh kiện sống” trong bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp, nên tình trạng đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, muốn khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức, cần tìm hiểu lý luận và thực tiễn về mối quan hệ biện chứng giữa dám nghĩ và dám làm, tức là phải nhìn toàn diện từ nhiều góc độ, nhiều hệ quả, thông qua các trường hợp cụ thể trong đời sống xã hội.
“Dám nghĩ” đa chiều: Suy nghĩ, tư duy là thuộc tính sinh học của não bộ loài người, đồng thời nó tuyệt đối bí mật, nếu con người không nói hoặc viết ra. Nói cách khác, không có gì ngăn cản được ý nghĩ nên người ta có thể “nghĩ một đàng nói một nẻo”, như trong một hội nghị về cấm lạm dụng rượu bia, nhưng không ai biết có người đang nghĩ về việc chiều nay sẽ cùng các “chiến hữu” nhậu ở đâu. Vì vậy, có lẽ không cần phải khuyến khích sự “dám nghĩ”, mà quan trọng hơn là phải phân biệt rõ hai mặt tích cực và tiêu cực của sự dám nghĩ.
Dám nghĩ tích cực là sản phẩm tư duy của những bộ não có hệ số IQ (thông minh) và MQ (đạo đức) cao. Khi cả hai hệ số đều thấp, hoặc IQ cao nhưng MQ rất thấp, thì họ dám nghĩ đến cả những điều làm hại cho cộng đồng. Dám nghĩ tích cực thể hiện ở sự phát triển khoa học kỹ thuật của loài người, các phát minh đều bắt nguồn từ sự dám nghĩ tích cực, như khi giao thông còn là xe bò, xe ngựa, người ta đã dám nghĩ đến chuyện sẽ bay lên mặt trăng… Và từ thời kỳ nô lệ, con người đã dám nghĩ đến xã hội bình đẳng, dân chủ. Dám nghĩ tiêu cực thể hiện ở những điều mê tín dị đoan, kể cả những ý tưởng phi khoa học như đưa môn Lịch sử sang hệ tự chọn, hoặc đề nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Từ dám nghĩ đến dám làm: Dám nghĩ dù là tích cực hay tiêu cực cũng không có gì ngăn cản được, và nó cũng chưa gây ra những hệ quả cụ thể, nhưng khi đã dám làm thì đòi hỏi rất nhiều điều kiện khách quan và chủ quan; hệ quả tích cực hay tiêu cực cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người.
Từ dám nghĩ tích cực đến dám làm đòi hỏi phải có trí tuệ, kiến thức, kỹ năng, khát vọng, ý chí và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ở lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, hệ quả của dám nghĩ tích cực và dám làm là đưa loài người từ lao động dựa vào cơ bắp tiến lên dựa vào máy móc và công nghệ cao. Ở lĩnh vực xã hội là đưa loài người thoát khỏi chế độ nô lệ tiến lên chế độ dân chủ. Như nước Việt Nam nhỏ bé nhưng đã dám đánh và đánh thắng tất cả các thể lực hùng mạnh nhất của các thời đại để giành và giữ vững độc lập dân tộc. Trong lĩnh vực lý luận, khi thế giới còn nặng về mâu thuẫn ý thức hệ, Việt Nam đã dám nghĩ và dám đổi mới để thực hiện “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, thoát khỏi nhóm nước nghèo và đang là “điểm sáng” về phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ chuyển đổi số ở khu vực và thế giới…
Dám nghĩ tích cực và dám làm không chỉ ở giới trí thức mà ngay cả những người nông dân chưa qua trình độ phổ thông cũng dám nghĩ và làm ra những cỗ máy đa năng hiệu quả cao, giá thành rẻ, thậm chí chưa có ở nước ngoài. Khi đất nước gặp khó khăn, thử thách lớn như đại dịch Covid-19, thiên tai bão lụt… tinh thần dám nghĩ dám làm tích cực được phát huy rất cao và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, là nguồn sức mạnh để đất nước vượt qua khó khăn.
Dám nghĩ tiêu cực và dám làm đã gây ra những hệ quả rất lớn đối với loài người. Đó là trường hợp những ý tưởng gây chiến tranh được thực hiện, như các cuộc “thập tự chinh”, chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai giết hại hàng chục triệu người, thậm chí còn dám ném bom nguyên tử giết chết biết bao thường dân vô tội. Trong xây dựng kinh tế, tình trạng dám nghĩ dám làm thiếu trách nhiệm đã gây lãng phí và thiệt hại rất lớn, đó là các dự án hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng chưa sử dụng đã xuống cấp, thậm chí bỏ hoang. Trên mặt trận xây dựng văn hóa - xã hội, có rất nhiều biểu hiện của dám nghĩ, dám làm tiêu cực, thiếu trách nhiệm, đó là những kẻ dựng chuyện, biến không thành có, xuyên tạc sự thật, vu cáo nhằm câu view, câu like và chống đối.
Khẩu hiệu “dám nghĩ, dám làm” không nên chỉ hiểu một mặt theo nghĩa đen đơn thuần để tránh tình trạng đề xuất nhiều ý tưởng thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN