Đa số và thiểu số
VHO - Tôi còn nhớ, năm 2015, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Văn học, nghệ thuật với xây dựng đạo đức xã hội hiện nay. Hội thảo diễn ra ở TP.HCM, có gần 200 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ là nhà nghiên cứu chuyên sâu, nhiều nhà khoa học và đại diện các cơ quan chức năng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng tham dự và trình bày tham luận.
Hội thảo sôi nổi, diễn ra không chỉ ở các tiểu ban, mà khi ra phiên họp toàn thể vẫn còn có ý kiến tranh luận, nhất là phần phân tích thực trạng và nguyên nhân những biểu hiện đạo đức đang xuống cấp trong bối cảnh cơ chế thị trường. Cuối phiên bế mạc, thay mặt Thường trực Hội đồng và Đoàn chủ tịch Hội thảo, tôi dành 45 phút trình bày kết luận Hội thảo. Những ý kiến đã phát biểu hoặc chưa phát biểu (mà tôi đọc trong Kỷ yếu Hội thảo) đề cập những vấn đề, những góc cạnh rất đáng quan tâm, tôi đều dẫn ra trong kết luận. Tan họp, một đại biểu vỗ vai tôi: “Ý kiến cậu B. thuộc loại “thiểu số”, tại sao anh vẫn đưa vào kết luận”. Tôi ôn tồn giải thích: “Dù là ý kiến thiểu số, nhưng đó là một gợi ý rất tốt cho chúng ta suy nghĩ, tìm lời giải thỏa đáng ở những cuộc tiếp sau”.
Về Hà Nội một thời gian, đại biểu ấy đến thăm tôi ở trụ sở Hội đồng và khi đề cập cuộc Hội thảo hôm trước, anh ấy vẫn phê phán ý kiến phát biểu của anh B. và vẫn nhấn mạnh đó là “ý kiến thiểu số”! Tôi thấy cần nói rõ hơn quan điểm của Hội đồng: “Trong Hội thảo, phải thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng các ý kiến đã phát biểu. Anh cho ý kiến anh B. là “thiểu số”, nhưng lãnh đạo Hội đồng lại cho rằng đó là ý kiến có tính gợi mở thiết thực, giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách tham khảo có ích. Nhận thức chân lý là một quá trình, do vậy không nên vội phủ nhận”. Anh ấy lại vặn tôi: “Chủ tịch Hội đồng hãy đọc lại Điều lệ Đảng đi, trong đó nói rõ: Thiểu số phải phục tùng đa số… Tôi cười vỗ vai anh: Nhưng trong Điều lệ Đảng, còn có một câu: “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu… Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số”. Tôi mở Điều lệ gạch dưới những câu đó và đưa anh ấy mang về đọc thêm…
Để tạo không khí thân tình, tôi kể anh nghe chuyện lãnh tụ thiên tài V.Lênin có lúc bị bọn cơ hội cô lập, nên bị coi là “thiểu số” khi tranh luận về phương pháp tiến hành cách mạng vô sản, V.Lênin bị bọn cơ hội lấy số đông gạt bỏ, nên lúc đó Lênin bị coi là “thiểu số” . Nhưng với sự kiên định bảo vệ quan điểm, chân chính, cách mạng, Lênin đã viết hàng loạt bài báo, chỉ rõ hoàn cảnh đặc thù của nước Nga và sự độc tài thống trị của Sa hoàng, thì nhất thiết cần phải áp dụng phương pháp cách mạng thích hợp, có hiệu quả. Quan điểm của Lênin đã thu hút nhiều người phía bên kia đứng ra lập Đảng Bônsêvích và nhất trí bầu Lênin là lãnh tụ đứng đầu. Tôi nói thêm với anh về tác phẩm Phép biện chứng cách mạng, Lênin nêu 5 nhân tố hợp thành, trong đó tôi tâm đắc một nhân tố: Cần xem xét cái cụ thể trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể”. Anh nên suy nghĩ thêm điều Lênin đã nhắc nhở chúng ta nhé! Nói đến đây, vì đã đến giờ họp, tôi xin phép hẹn anh ngày gần đây gặp lại.
Từ câu chuyện của anh bạn đặt ra, gợi tôi nhớ lại một số hiện tượng tương tự. Là người có vinh dự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng hai khóa, tôi cảm thấy những cuộc thảo luận trong các Hội nghị ở Trung ương mang không khí cởi mở, tôn trọng lẫn nhau. Tôi còn nhớ, chuẩn bị cho Đại hội XI, từ năm 2007, Bộ Chính trị đã chỉ đạo đưa nhiệm vụ, bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh năm 1991 vào chương trình nghị sự. Tiểu ban soạn thảo được thành lập. Trong nhiều vấn đề cần bàn thảo, có việc xác định đặc trưng kinh tế của CNXH ở Việt Nam, được ghi là… Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất phù hợp. Một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, đề nghị cần bổ sung cụm từ tiến bộ vào trước cụm từ phù hợp. Nhưng tại Hội nghị Trung ương thảo luận lần đầu, đa số đề nghị giữ nguyên như cũ. Ở kỳ họp sau, cũng chính đồng chí Ủy viên Trung ương đó trình bày lại ý kiến lần đầu và dẫn chứng thêm nhiều vấn đề thực tiễn trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, trong đó có sự cần thiết phải thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài, do vậy cần có cụm từ tiến bộ thêm vào là điều rất cần thiết. Hội nghị đã biểu quyết chấp nhận đề nghị đó. Vậy là từ ý kiến thiểu số đã biến thành đa số trên cơ sở phân tích thực tiễn và khoa học có lý, có tình.
Có lần, một đồng chí Chủ tịch Quốc hội tâm sự với tôi: Khi thảo luận để thông qua một bộ luật, Đoàn Chủ tịch cần hết sức chú ý lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, thậm chí trái ngược nhau. Đã xảy ra hiện tượng, chỉ có vài ý kiến khác với Ban soạn thảo, nhưng sau đó họp lại, phân tích thấu đáo, tập thể Ban soạn thảo và Đoàn Chủ tịch lại thấy ý kiến “thiểu số” ấy có lý nên đã tiếp thu viết lại cho đầy đủ…
Nhân đó, tôi thưa với một sốđồng chí lãnh đạo: Hiện nay ở đâu đó, đang xuất hiện mấy hiện tượng đáng chú ý: Thứ nhất, khi tập hợp ý kiến cử tri, chỉ mới nghe một số người, đã vội ghi: Đa số ý kiến đồng tình với Quốc hội, mà trên thực chất, có khá nhiều ý kiến bức xúc, nhưng không được lắng nghe và phản ánh đầy đủ. Thứ hai, việc vận dụng nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” ở những chi bộ, đảng bộ mất đoàn kết, đã có những biểu hiện lệch lạc, xuất phát từ “lợi ích nhóm”, đặc biệt trong công tác cán bộ, tạo nên hiện tượng đi vận động bỏ phiếu cho nhau và cùng loại bỏ những cán bộ tận tâm, có năng lực phẩm chất xứng đáng để những người trong “cánh hẩu” với mình có “đa số” phiếu. Ai cũng biết rõ, những người có đa số phiếu ở vòng đầu, thì mới có danh sách bỏ phiếu ở vòng 2; còn người bị thiểu số ở vòng đầu thì cơ hội đi tiếp đã bị loại!
Thiết nghĩ, nếu không có cách làm thật sự văn hóa, văn minh, tôn trọng sự thật khách quan, bảo đảm sự công tâm, minh bạch, mà chỉ núp dưới cái gọi là “thiểu số” và “đa số” diễn ra ở những cơ sở đảng có vấn đề thì hệ lụy xấu tạo ra trong công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, là điều không tránh khỏi, trái ngược với tinh thần chỉ đạo nhất quán trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.
PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH