Đã đến lúc phải xử lý nghiêm một hiện tượng lệch chuẩn văn hóa

VHO- Cách đây gần hai tuần, sau khi Sở TT&TT TP.HCM nhắc nhở, được biết bà Nguyễn Phương Hằng hứa sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời cam kết sẽ cẩn trọng hơn trong phát ngôn khi sử dụng những từ ngữ làm ảnh hưởng đến người khác. Thế nhưng sau đó chứng nào tật ấy, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục livestream với những phát ngôn không chuẩn mực, phản cảm, dường như đang muốn thách thức công quyền và công luận.

Đã đến lúc phải xử lý nghiêm một hiện tượng lệch chuẩn văn hóa - Anh 1

Buổi họp báo của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hẳng. Ảnh: Lê Ánh

Không ít người đồng tình khi cho rằng nhờ các buổi livestream của bà Hằng mà nhiều góc khuất được phơi bày, trong đó có giới showbiz. Chỉ sau một đêm, đang thần tượng bỗng thành tội đồ…

Đúng là có việc đó. Và cũng không phủ nhận trong thời gian vừa qua có việc một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn tham gia quảng cáo sai sự thật, dùng mạng xã hội tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân… gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì thế, trong một động thái kịp thời và cần thiết, Bộ VHTTDL đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Thực tế, cũng không phải lần đầu trong giới nghệ sĩ đã xảy ra chuyện này, chuyện kia. Có điều, các vụ việc được các cơ quan chức năng chấn chỉnh kịp thời và xử lý trong khuôn khổ pháp luật.

Còn cái cách mà bà Hằng “bóc phốt” việc làm nghệ sĩ này, “vạch trần” quá khứ ca sĩ kia, “đá xoáy” cách sống diễn viên nọ, rồi dùng lời lẽ thô tục, chợ búa, vơ cả nắm thóa mạ "đám nghệ sĩ", “cái bọn nghệ sĩ” là hiện tượng hoàn toàn không bình thường. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, cả giới nghệ sĩ bị bêu riếu, xúc phạm công khai. Cũng lạ, sao chưa thấy nghệ sĩ nào đâm đơn kiện, cũng chưa thấy Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hay các hội, hiệp hội liên quan đến nghệ sĩ lên tiếng?

Không ai ngăn cấm bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên mạng xã hội; cũng không tổ chức nào ngăn cản bà Hằng phản ánh sai trái, tố cáo sai phạm, nhưng phải đúng luật. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhưng tự do nói chung, tự do ngôn luận nói riêng đều cần được hiểu là tự do trong khuôn khổ pháp luật. Tự do của mình bị giới hạn bởi tự do của người. Không thể vì tự do của mình mà chà đạp, xâm hại lên quyền tự do của người khác. Lợi dụng, lạm dụng mạng xã hội để coi mình như quan toà, tự cho mình cái quyền phán xét, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác như cái cách bà Nguyễn Phương Hằng đang thực hiện như vừa qua là không thể chấp nhận được.

Trong khi cả nước đang gồng mình để chống dịch thì có những cá nhân phá bĩnh, gây ra sự phân tâm, bức xúc không đáng có, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Trong khi cả xã hội đang chung tay ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội thì có những cá nhân ngược dòng, ứng xử thiếu văn hóa, gieo rắc vào xã hội những hành vi lệch chuẩn, trái với thuần phong mỹ tục, hệ lụy tiêu cực đến lối sống và hành vi ứng xử, nhất là với giới trẻ.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không thể mãi cứ nhắc nhở một hành vi phản cảm diễn ra trong thời gian dài mà cần phải lên án, xử lý nghiêm khắc. 

PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc