“Có vàng rồi, thể thao Việt Nam ơi!”
VH- Ngay khi các cô gái đua thuyền Việt Nam ôm chầm lấy nhau cùng òa khóc thì từ Indonesia, Thu Sâm, phóng viên Văn Hóa trong Đoàn thể thao Việt Nam gọi về trong nỗi xúc động không kém: “Có vàng rồi anh ơi!”.
Cảm ơn các cô gái đã giải tỏa cơn khát vàng cho thể thao Việt Nam. Có lẽ, phải là người ở trong Đoàn như phóng viên Văn Hóa mới cảm nhận được hết "núi" áp lực thành tích đè nặng đến nhường nào khi niềm hy vọng vàng của những Xuân Vinh, Ánh Viên… đang bị rơi rụng trong mấy ngày qua. Từ Trưởng đoàn cho đến các huấn luyện viên, vận động viên cố gắng cười nói để không ảnh hưởng đến những vận động viên chưa thi đấu nhưng trong lòng đầy trĩu nặng.
Trao đổi với báo giới, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cũng đã thẳng thắn chia sẻ: “Huy chương vàng của đội tuyển Rowing có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi những khó khăn mà các tuyển thủ của chúng ta đang phải đối diện. Nhiều vận động viên đã không đạt thành tích như kỳ vọng. Tất cả đã tạo thành một áp lực khổng lồ đè lên đôi vai mỗi tuyển thủ khi họ bước lên sàn đấu. Điều này ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc”.
“Áp lực khổng lồ” như ông Phấn nói, đến từ chính bản thân người trong cuộc, không bằng lòng với chính bản thân mình. Nhưng còn có một áp lực khác, “ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc”, dù ông Phấn không nói ra, đó là sự mong mỏi của người hâm mộ.
Dĩ nhiên người hâm mộ có quyền mong đợi và đòi hỏi các vận động viên phải thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Đó là đòi hỏi chính đáng và cũng là động lực cho các vận động viên. Tuy nhiên, dư luận và không ít người trên mạng xã hội đã có những lời lẽ tiêu cực, quá khích, thậm chí cay nghiệt và khiếm nhã với những vận động viên nhận thất bại thì rõ ràng không thể chấp nhận được.
Thật chua chát khi vận động viên cung thủ Châu Kiều Oanh chia sẻ: “Khi bạn là nhà vô địch, bạn đứng trên bục cao nhất, bạn có thành tích quốc gia, quốc tế thì bạn được mọi người công nhận được nghe những lời chúc mừng từ mọi phía. Và ngược lại, bạn thất bại ở nội dung nào đó vì lý do cá nhân hay vì một số chấn thương bạn đang gặp hay vì bất cứ lý do gì mà bạn đang gánh chịu thì ở mọi phía đó chỉ nhìn về một mặt mà trách móc mà chỉ trích, thậm chí là chửi rủa bạn… Khi chiến thắng, tôi là người Việt Nam, khi thất bại tôi chỉ là kẻ thua cuộc”.
Rất chí lý khi chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, người từng là Trưởng đoàn nhiều lần đưa các vận động viên Việt Nam thi thố ở đấu trường quốc tế cho rằng, không nên quá nặng lời khi vận động viên thất bại. Cũng theo ông Minh, Hiến chương của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có bàn tới fair-play của phong trào thể thao quốc tế. Hiến chương nói rõ ràng fair-play không chỉ dừng lại ở khía cạnh giữa VĐV với nhau mà còn dành cho giới truyền thông và người hâm mộ thể hiện thái độ ứng xử với vận động viên. Theo đó, fair-play yêu cầu giới truyền thông có thái độ công bằng khi nhìn những vấn đề liên quan đến thể thao, đặc biệt là chuyện thắng và thua.
Còn nhớ, trước ngày đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam sang Indonesia, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện sau một ngày công việc bận rộn đã đến Hưng Yên thăm đội tuyển đang tập luyện ở đó. Không muốn làm xáo trộn đến việc tập luyện của đội tuyển nên Bộ trưởng không thông báo trước. Ngồi chờ gần một giờ cho đến khi đội kết thúc buổi tập, Bộ trưởng mới ra sân tập. Căn dặn các cầu thủ không ngủ quên trên chiến thắng nhưng ông trò chuyện thoải mái, vui vẻ, không hề đặt ra mục tiêu, gây áp lực cho thầy trò ông Park.
Từ tư lệnh ngành cho đến hầu hết người hâm mộ thể thao nước nhà đang cổ vũ và dõi theo những bước chân của các vận động viên nước nhà ở đấu trường khốc liệt ASIAD. Vậy thì, với những ai chỉ biết chỉ trích với những lời lẽ cay độc, hãy cùng động viên, cùng chia sẻ với những nỗ lực của các vận động viên, huấn luyện viên, các nhà làm thể thao đang nỗ lực để đem vinh quang về cho thể thao nước nhà. Bởi hơn ai hết, chính những người ra trận đang khát khao chiến thắng và càng không bao giờ mong phải chịu thất bại để rồi đối mặt với những chỉ trích cay nghiệt.
PHAN THANH NAM