Có nên xử phạt hành chính đối với giáo viên?
VH- Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến. Tại Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này”. Quy định này đã nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận và lo ngại về tính khả thi của quy định.
Nếu chỉ vì học sinh không ngoan, ngỗ ngược, mất trật tự làm ảnh hưởng đến giờ học hoặc học sinh có lời lẽ xúc phạm đối với giáo viên, nếu giáo viên không bình tĩnh, khéo léo ứng xử thì rất có thể xảy ra hành vi vi phạm.
Nếu giáo viên chửi mắng học sinh là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học hoặc đánh học sinh vài roi là hành vi xâm phạm thân thể người học và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, điều này cho thấy, quy định trên là quá khắt khe, hơi cứng nhắc, ảnh hưởng rất lớn đến việc giảng dạy của giáo viên, đồng thời, các giáo viên sẽ ngại áp dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý, giáo dục đối với học sinh chưa ngoan.
Nếu giáo viên bị xử phạt vi phạm hành chính, thì biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm. Vấn đề đặt ra là, giáo viên phải xin lỗi công khai đối với ai, xin lỗi học sinh hay phụ huynh. Nếu bắt buộc giáo viên xin lỗi học sinh liệu có ảnh hưởng đến vị trí của người thầy trong môi trường giáo dục hiện nay hay không.
Chẳng có giáo viên nào muốn la mắng học sinh hoặc véo tai, đánh học sinh của mình vài roi cả. Và nếu giáo viên có làm điều đó cũng chính là giúp học sinh của mình trưởng thành, ngoan ngoãn, chăm học, chấp hành nội quy, quy chế của lớp học… chứ không phải ghét bỏ học sinh. Đôi khi, việc làm này chính là biện pháp giáo dục hiệu quả trong một số trường hợp, giúp giáo viên và học sinh hiểu nhau, học sinh kính trọng giáo viên hơn và có thể nhiều học sinh sau khi ra trường thầm cảm ơn giáo viên vì đã la mắng, trừng phạt mình.
Hiện nay, việc ngăn chặn bạo lực học đường có nhiều biện pháp để thực hiện, không phải nhất thiết là áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoăc xâm phạm thân thể người học thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định, nếu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự… là đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.
Vì vậy, không nhất thiết phải quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với giáo viên, nếu không thận trọng có thể gây khó cho giáo viên và ảnh hưởng đến vị trí của người thầy trong môi trường giáo dục hiện nay.
ĐỖ VĂN NHÂN