Cơ hội để chuyển đổi phong tục cưới mới

VHO- Nhiều chục năm qua, cho dù ngành văn hóa chúng ta đã ban hành các quy định tổ chức cưới hỏi đời sống mới khá chi tiết và liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhưng tiếc rằng người ta vẫn cứ cố “lách” cho bằng được để thực hiện theo cách của riêng mình. Thêm nữa, mỗi một địa phương lại quy định một khác, thành ra đến giờ “hủ tục” này vẫn chưa có chuyển biến tích cực thực sự.

Cơ hội để chuyển đổi phong tục cưới mới - Anh 1

Tình trạng đám cưới tổ chức linh đình, mời cả ngàn người đến dự vẫn diễn ra không chỉ tại các đô thị lớn mà ngay cả các vùng nông thôn. Thậm chí, ở dưới quê còn ăn uống kéo dài đến vài ba ngày rất tốn kém, mệt mỏi và trong thâm tâm không phải ai cũng thích làm.

 Chúng ta không có biện pháp nào cứng rắn để ngăn ngừa triệt để, dù có nơi cán bộ tổ chức đám cưới cho con linh đình đã bị báo chí lên tiếng và sau đó bị cấp trên phê bình, nhắc nhở để “rút kinh nghiệm sâu sắc”… Nhưng rồi đâu lại vào đó!

Đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã khiến chúng ta phải thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ không ít lần. Điều này đương nhiên đã khiến nhiều lễ cưới phải tạm hoãn lại. Chuyện người dự cưới bị nhiễm dịch rồi lây lan sang cả tỉnh khác cũng đã có không ít, để rồi sau đó dập được nó là vô cùng gian nan.

Rồi thì chuyện chờ lâu không được, nhiều đôi vợ chồng đã sinh con. Chúng lớn rồi mà vẫn chưa thể có một ngày để bố mẹ chúng làm lễ thành hôn như mong ước. Rồi có cả những đám cưới “tranh thủ” giữa hai kỳ giãn cách, bố mẹ ẵm cả con lên chào quan viên hai họ, thật vui vẻ!

Người ta hay nói, trong “nguy” luôn có “cơ”. Không được tổ chức đám cưới hoành tráng thực ra cũng không đến mức gọi là “nguy”, nhưng “cơ” để tổ chức cưới hỏi theo nếp sống mới thì lại có. “Cơ” ở đây chính là lý do bất khả kháng, không được phép mời đông người, dù có lúc cũng không còn thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc 16 mà theo 4 cấp độ (vùng dịch) của Quyết định 128 NQ/CP “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; song, do mỗi địa phương lại có cách xử lý khác nhau và có đặc điểm dịch tễ khác nhau cho nên việc mời khách dự đám cưới cũng có sự khác nhau…

Liệu có thể có một cách nhìn mới trong việc tổ chức đám cưới thích ứng với trạng thái bình thường mới? Tôi nghĩ là được và nếu như cả xã hội đồng thuận thì ngay trong mùa cưới “lịch sử” này, nó sẽ trở thành cột mốc để ghi nhận sự chuyển đổi phong tục cưới mới và đó cũng chính là cơ hội vàng, hy vọng sẽ trở thành quen, thành nếp, đó là mời thật hạn chế số người tới dự, giống như các nước châu Âu, châu Mỹ đã từng thực hiện cả trăm năm qua. 

 QUỐC PHONG

Ý kiến bạn đọc