“Cô đơn” như người nghèo đô thị
VH- Có thể nói hiện nay cả xã hội đang hướng về người nghèo với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, các chương trình quyên góp, ủng hộ giúp người nghèo qua cơn khốn khó, giúp họ vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống... Tuy nhiên, người nghèo mà cả xã hội đang hướng tới hầu hết là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Trong khi đó, xã hội gần đây ít quan tâm, để ý đến bộ phận khá đông người dân nghèo đang sống trong các túp lều tạm bợ hoặc dưới gầm cầu, đường tránh... ngay tại các trung tâm thành phố, đô thị lớn.
Theo quy định về chuẩn nghèo ở đô thị là những người có thu nhập dưới 900.000 đồng/tháng, tuy nhiên với số tiền ấy sống ở đô thị đôi khi còn khó khăn hơn nhiều so với người nghèo ở nông thôn với mức thu nhập dưới 700.000 đồng/ tháng. Lý do là ở đô thị mức sống cao, chi tiêu đắt đỏ hơn nhiều so với khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, người nghèo ở nông thôn dù sao vẫn còn tư liệu sản xuất quan trọng là đất đai, ruộng vườn và hầu hết đều có nhà ở. Mặc dù có thể chỉ là tạm bợ, dột nát nhưng ít ra vẫn có chỗ nương náu lúc mưa bão, trong khi ở đô thị nhiều người phải thuê nhà, thậm chí phải sống tạm bợ, nheo nhóc tại các gầm cầu, bến xe...
Việc quan tâm đến người nghèo ở khu vực đô thị có nhiều ý nghĩa về mặt chính trị - xã hội, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, sẽ góp phần tạo sự ổn định trật tự xã hội ở các đô thị, vì người nghèo ở đô thị rất nhạy cảm với tình hình chính trị - xã hội do họ sống ngay tại các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước. Đây là đối tượng rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng nhằm gây bất ổn xã hội, nhất là các đối tượng phản động, chống phá chính quyền. Chúng thường kích động gây rối, lôi kéo đối tượng này do đời sống khó khăn dễ phát sinh tâm lý tiêu cực, bất mãn với chính quyền.
Thứ hai, việc giúp đỡ người nghèo ở đô thị sẽ góp phần tạo ra công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các đô thị. Hiện nay, nhiều hộ nghèo ở đô thị thường không có việc làm hoặc nghề nghiệp rất bấp bênh như bán dạo, chạy xe ôm... Nếu được Nhà nước và xã hội quan tâm hỗ trợ đúng mức như cho vay vốn, ưu đãi tạo công ăn việc làm ổn định hoặc mở mang nghề nghiệp nào đó mà họ có thể làm như mở quán ăn, buôn bán nhỏ... để trang trải, ổn định cuộc sống.
Thứ ba, nếu chúng ta không giải quyết rốt ráo, triệt để vấn đề người nghèo ở đô thị thì các thế hệ con cháu của họ cũng sẽ tiếp tục nghèo khó, thất học. Đây là nguyên nhân dẫn họ đến phạm pháp hoặc trở thành gánh nặng cho xã hội.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần quan tâm đúng mức đến những người nghèo ở đô thị, tạo điều kiện mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ. Điều này còn góp phần tạo ra bộ mặt mới cho các đô thị và quan trọng hơn cả sẽ góp phần đảm bảo ổn định tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực đô thị.
Ths PHẠM VĂN CHUNG