Chuyện xưa quá rồi

VHO- Mới đây, ngay sau khi Bộ VHTTDL công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT) trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định, lập tức trên mạng xã hội và một số diễn đàn xuất hiện những ý kiến bức xúc..., mà lại là không phải của “người trong cuộc”.

 Hơn mười năm theo dõi việc tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc xét duyệt, rồi công bố một cách rộng rãi danh sách NSND, NSƯT, người viết thấy gần như kỳ cuộc nào cũng có những ý kiến, tạm gọi là “làm nóng vấn đề”.

 Thậm chí còn “bật diêm nhóm lửa” xui người này, người nọ làm đơn lên cấp cao hơn để đòi hỏi quyền lợi.

Những ai biết và có liên quan đến chuyện này đều ngán ngẩm, lắc đầu “chuyện thường ngày ở huyện”, đấy cũng là điều bình thường giữa muôn trùng cái bình thường khác. Nhưng, có sự bất bình thường ở đây chính là, “người trong cuộc” chưa hề lên tiếng, chưa làm đơn thư đến cấp thẩm quyền để thắc mắc nhằm được biết vì sao lại không có tên trong danh sách, thì những kẻ khác “đóng vai” người hâm mộ đi “khóc thuê viết mướn” theo kiểu việc xét duyệt như thế là không công bằng, bỏ lọt tài năng, quy định theo kiểu “bắt chẹt” người khác... Nói như NSND Kim Cương, “nếu tôi nhớ không nhầm thì đợt xét duyệt nào dư luận cũng bàn ra tán vào, rằng người này xứng đáng sao không tôn vinh, người kia chưa đủ chuẩn mà lại ghi nhận. Nếu cứ giữ mãi suy nghĩ, định kiến theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư” thì nói mãi không hết chuyện”.

Muốn “chém gió” hay làm “anh hùng bàn phím” như thế nào cũng được, nhưng trước khi “bút sa” thì cũng cần nghiên cứu cho thật kỹ các quy định có liên quan đến việc xét tặng danh hiệu các nghệ sĩ. Thêm vào đó cũng cần lắng nghe “người trong cuộc”, rằng họ có cần “khóc thuê” hay không bởi họ sẽ hiểu mình hơn ai hết cả về thành tích lẫn sự cống hiến cho khán giả. Khi chuyện này lại xảy ra, người viết hỏi một nghệ sĩ gạo cội trong làng sân khấu, và cũng từng là thành viên của nhiều Hội đồng từ cấp cơ sở đến Trung ương. Ông bảo, “xuất thân cũng là nghệ sĩ nên khi ngồi vào ghế Hội đồng thì gần như ai cũng muốn đồng nghiệp của mình được đưa vào danh sách xét tặng. Vì đó là tình cảm chân thực giữa đồng nghiệp với nhau, nhưng làm gì cũng có luật lệ của nó, có tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện riêng của nó chứ không thể tình riêng át cả lý lẽ được. Vì thế những ai hiểu chuyện, hiểu rõ quy định thì chia sẻ, còn ai chưa hiểu mà cứ bô bô ba la lên thì cũng đành chịu, chứ biết sao. Nhưng mà loại chuyện này xưa quá rồi, quen quá rồi”. Đúng là, có nhiều người, nhiều nghệ sĩ hiểu chuyện, nghĩa là nắm vững các quy định có liên quan đều đưa ra cách ứng xử rất phù hợp, khiến dư luận cảm phục.

Mới đây, trả lời trên một tờ báo về việc mình không có tên trong danh sách xét danh hiệu NSND, NSƯT Lê Thiện cho biết, “chuyện đó là bình thường, không có gì phải buồn. Không được đợt này thì còn đợt khác, mình chẳng buồn gì đâu. Hiện tại tôi vẫn còn làm việc, còn cống hiến được...”. Bà còn nói, “đối với tôi, dù là NSND hay NSƯT, hay cho dù không có danh hiệu thì cũng cần phải làm nghề theo đúng cái tâm, đúng đạo đức và phục vụ được công chúng là điều tối ưu. Mình được danh hiệu thì tốt, không được cũng không sao. Tôi không dám phê phán gì cả. Trong cuộc đời mình được nhiều người thương quý thì mình cảm ơn, mình hạnh phúc. Vậy là đủ”. Người viết nghĩ rằng đây là suy nghĩ thật của bà, nó không hề bị con chữ đánh đáo hay cố lên gân để xóa mờ đi sự bức xúc riêng có của mình.

Hay khi được hỏi, trong danh sách thấy một số nghệ sĩ trẻ, lại là học trò của bà được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, bà có chạnh lòng không? Nghệ sĩ Lê Thiện quan niệm, “con hơn cha là nhà có phúc”. Dù họ là học trò của mình mà chúng giỏi hơn mình thì mình mừng. Thời đại bây giờ tụi trẻ giỏi, thông minh lắm. Mình mừng chứ không có buồn hay chạnh lòng gì đâu. Đấy là lời của người trong cuộc. Suy nghĩ, quan niệm và ý kiến của họ về việc xét tặng danh hiệu như thế nào, có lẽ không cần phải bình luận thêm, chỉ có điều, ai đó muốn “làm nóng vấn đề” thì cũng nên tìm hiểu, nghiên cứu cho thật kỹ các quy định và bản thân người mình muốn bào chữa, chứ đừng vội vàng phán xét, quy chụp. 

LÂM SƠN

Ý kiến bạn đọc