Chuyện làm từ thiện của nghệ sĩ
VHO- Mấy ngày gần đây, chuyện từ thiện của nghệ sĩ lại nóng lên, nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Nhiều người đòi nghệ sĩ phải đưa ra bằng chứng cụ thể như sao kê ngân hàng chẳng hạn để công khai, minh bạch số tiền họ đóng góp từ thiện; một số nghệ sĩ lên tiếng thanh minh, phân bua với những lời hứa sẽ thể hiện rõ tấm lòng, sự không vụ lợi của mình trong hoạt động từ thiện. Câu chuyện chưa có hồi kết nhưng chắc chắn không ai có lợi gì liên quan đến sự việc này, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hoạt động nghệ thuật và hình ảnh của nghệ sĩ, cũng như niềm tin của công chúng đối với giới nghệ sĩ.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên lấy một ví dụ cụ thể nào để chứng minh hay lên án. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một nghệ sĩ cụ thể, khiến họ chịu tổn thương tinh thần, mà do, như Mác đã từng nói, về bản chất, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Sự việc làm từ thiện có những vấn đề, có thể bắt đầu từ một cá nhân, nhưng cũng có những lý do xã hội cụ thể của nó. Chính vì thế, nếu chúng ta chỉ quy kết cho lòng tham, tính vụ lợi của một cá nhân cụ thể, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết dứt điểm những câu chuyện phức tạp của từ thiện không đúng. Điều này sẽ dẫn đến việc, việc từ thiện sai không xảy ra ở nghệ sĩ này sẽ xảy ra ở nghệ sĩ khác, không ở cá nhân này sẽ ở cá nhân khác, không có thời điểm, hoàn cảnh này sẽ ở thời điểm và hoàn cảnh khác. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bênh nghệ sĩ một cách vô lý. Nói như vậy chỉ để chúng ta hiểu rằng, có nhiều sự việc phức tạp hơn chúng ta suy nghĩ ban đầu. Nếu có một ai đó sai sót thì cũng không có nghĩa là cả giới nghệ sĩ tiêu cực. Tiếp cận vấn đề tích cực, xem xét trong tổng thể chung của cả xã hội sẽ giúp chúng ta có một thái độ khách quan và nhân văn hơn đối với mọi người, trong đó có các nghệ sĩ.
Với tôi, đa phần nghệ sĩ là những người đặc biệt. Nghệ thuật luôn gắn với sự sáng tạo và cái đẹp, vì thế nên người nghệ sĩ luôn mong muốn đem đến cho khán giả những giá trị của nghệ thuật, chân – thiện – mỹ, sự sáng tạo trong từng tác phẩm và đôi khi là cả phong cách sống của họ. Nghệ sĩ là người của công chúng, vì vậy họ nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của các nghệ sĩ. Xã hội cũng kỳ vọng người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc trở thành những tấm gương tốt, định hướng lối sống, sự hoàn thiện nhân cách của các cá nhân trong xã hội. Đó là lý do, khi người nghệ sĩ có những hành động không phù hợp, lệch chuẩn luôn bị đánh giá nhiều hơn so với những nhóm đối tượng khác.
Vì yêu mến nghệ sĩ nên niềm tin của công chúng đối với nghệ sĩ rất lớn. Chúng ta từng chứng kiến những hành động yêu mến nghệ sĩ đến mức cuồng nhiệt ở nhiều nhóm khán giả. Tôi có tham gia chấm một luận án tiến sĩ nghiên cứu về hiện tượng hâm mộ thần tượng, trong đó tác giả nghiên cứu và chỉ ra 3 cấp độ hâm mộ như sau: cấp độ 1. Giải trí – xã hội: Người hâm mộ đơn giản chỉ thích và thảo luận về những điều thần tượng làm; cấp độ 2. Mãnh liệt – cá nhân: người hâm mộ thường xuyên nghĩ về thần tượng, tham gia vào các fan club. Những người này thường có tính hướng nội và cảm tính; cấp độ 3. Ranh giới – bệnh lý: Người hâm mộ sẵn sàng làm mọi điều mà thần tượng yêu cầu, ảo tưởng yêu thần tượng của mình, chủ động theo dõi thần tượng, thậm chí viết thư từ với nội dung không phù hợp cho thần tượng. Ngoài ra còn có thể thêm 1 mức độ là “bắt chước tai hại”, hay fan cuồng, bắt đầu có những hành động quá khích.
Nêu ra như vậy để chúng ta hiểu được rằng, tại sao trong thời gian vừa qua có nhiều nghệ sĩ đứng ra từ thiện và họ nhận được rất nhiều sự đóng góp của công chúng như vậy. Chính tình yêu của công chúng đã thúc đẩy niềm tin vào lòng tốt của nghệ sĩ.
Thời gian vừa qua, đất nước chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ bão lũ miền Trung đến dịch bệnh Covid-19. Chúng ta chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh nghèo khó, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Nghệ sĩ cũng giống như rất nhiều người khác trong xã hội đều mong muốn có những đóng góp để làm dịu đi những nỗi đau, khó khăn, mất mát đó. Lòng trắc ẩn của nghệ sĩ được tiếp sức bởi sự yêu mến và tin tưởng của công chúng đã khiến cho việc làm thiện nguyện của họ được quan tâm nhiều hơn, truyền cảm hứng nhiều hơn đối với cộng đồng. Đó cũng là tín hiệu tích cực của một xã hội hướng đến những điều thiện, bởi những cá nhân mong muốn làm những việc thiện.
Tuy nhiên, làm việc tốt cũng không hoàn toàn đơn giản. Việc làm từ thiện không hề dễ dàng với bất kỳ một tổ chức nào chứ không kể đó lại là một cá nhân, và lại là nghệ sĩ. Chúng ta chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để các cá nhân làm từ thiện. Các nghệ sĩ có thể giỏi trong lĩnh vực nghệ thuật của họ nhưng không hề có kinh nghiệm trong công việc từ thiện. Họ có thể có tâm, mong muốn làm điều tốt cho những hoàn cảnh khó khăn, nhưng làm thế nào thì lại là chuyện phức tạp hơn nhiều (Tất nhiên, cũng có những trường hợp không có tâm và vụ lợi ngay từ lúc bắt đầu, nhưng tôi tin đó chỉ là thiểu số mà thôi!). Đối với hoạt động từ thiện, minh bạch, công bằng và không vụ lợi là những nguyên tắc tối thiểu trước khi chúng ta nghĩ đến những câu chuyện khác. Đòi hỏi sao kê của người hâm mộ là yêu cầu chính đáng khi lòng tin đã mất. Chính vì thế, khi nghệ sĩ không thể hiện được chuyện này do việc thiếu hiểu biết, không chuyên nghiệp của họ thì việc mất lòng tin, chịu sự chất vấn của những người đóng góp là việc không sớm thì muộn.
Đây là bài học đối với các nghệ sĩ khi tham gia từ thiện hay các công việc xã hội khác. Đối với các nghệ sĩ, tình yêu và niềm tin của khán giả chính là tài sản vô giá. Khi họ mất đi những thứ quý giá đó, hình ảnh, uy tín và kể cả nghề nghiệp của họ cũng vì thế mà sụp đổ. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sỹ. Chúng ta tin tưởng rằng, từ bộ quy tắc định hướng hành vi này, nghệ sĩ sẽ có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về việc làm, trách nhiệm xã hội và bổn phận đạo đức của mình, từ đó những câu chuyện từ thiện không phù hợp, quảng cáo sai sự thật, chia sẻ không có trách nhiệm trên mạng xã hội sẽ giảm bớt và dần mất hẳn, trả lại hình ảnh đẹp, tấm gương tốt cho nghệ sĩ, cũng như môi trường văn hóa lành mạnh cho xã hội, tạo điều kiện khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường như định hướng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN