Chống dịch chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia từ cộng đồng
VHO - Từ các thông tin báo chí, chúng tôi biết rằng chiến lược chống dịch của TP.HCM đã phải rất khó khăn và thay đổi nhiều lần giữa lựa chọn mang tính chất nhị nguyên: Có hoặc không trong việc quyết định giãn cách xã hội? Bởi đây có thể xem là tình thế tiến thoái lưỡng nan cho một trận chiến với kẻ thù vô hình, xâm lấn từng khu dân cư, quét qua rất nhanh, trong khi năng lực phòng thủ của chúng ta dường như chưa sẵn sàng.
Bộ đội phân chia lương thực để kịp thời trao đến tay người dân tỉnh Bình Dương trong đêm 25.8. Ảnh: Tâm Trang
Sự hợp tác của các cộng đồng dân cư phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lương thực sinh tồn
Các buổi họp báo thông tin dịch bệnh cho thấy lãnh đạo TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phía Nam đã phải rất khó khăn giữa các quyết định mang tính chu kỳ hai tuần một lần và luôn ở tình huống chọn lựa bị động. Bộ phận tư vấn của lãnh đạo thành phố cũng có những mô hình dự báo cho những kịch bản theo mô thức ba phương án: Tốt, bình thường và xấu. Nhưng tựu trung của các mô hình dự báo đều theo thể thức “Nếu… thì...”, trong khi “cái nếu” đó lại hoàn toàn nằm ở chỗ sự hợp tác của người dân đối với chủ trương của chính quyền. Và điều tiên quyết, sự hợp tác của các cộng đồng dân cư lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lương thực sinh tồn.
Khi giãn cách xã hội, mọi vận hành tự nhiên đều ngưng đọng, nguồn cung ứng các loại thực phẩm thiết yếu được tập trung vào một vài đơn vị đầu mối hoặc một vài doanh nghiệp có năng lực. Trước nhu cầu rất lớn của người dân và sự cán đán, năng lực cung ứng đơn vị phân phối không gặp nhau dẫn đến sự rối loạn. Đánh giá về vấn đề này, có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau như chiến lược truyền thông, khả năng vận hành giao thương, năng lực nhận thức và hợp tác các nhóm cộng đồng dân cư khác nhau. Đó chưa kể mục tiêu kép ban đầu dường như cơ quan chức năng quá tập trung vào câu chuyện chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các khu công nghiệp ở Việt Nam là công xưởng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cho các quốc gia trong khu vực. Trước bối cảnh đó, một số sáng kiến được đưa ra như “sản xuất ba tại chỗ và một cung đường”, có nơi có chỗ thành công nhưng có nơi thì lại là nguyên do cho những hệ quả lây lan dịch bệnh. Có lẽ, trong giai đoạn này, chúng ta lại phải định nghĩa khái niệm “mục tiêu kép” cho phù hợp hơn, trong đó mục tiêu tối quan trọng vẫn là bảo vệ sức khỏe, sinh mạng người dân. Nhưng chúng ta cũng không thể cực đoan đến mức ngồi yên cho đại dịch càn quét qua một cách bị động. Chính quyền đang nỗ lực cho chiến lược tăng tốc vắc xin, giãn cách xã hội để tránh lây lan,… đó là những giải pháp chính đáng hơn bao giờ hết. Những nỗ lực đó cũng ít nhiều rơi vào tình thế nỗ lực cải thiện chỗ này nhưng lại khủng hoảng chỗ khác. Nhiều chiến lược phải thay đổi như ban đầu, như xét nghiệm sàng lọc cộng đồng hay xét nghiệm có trọng điểm, điều trị ba tầng hay năm tầng…
Nghệ sĩ biểu diễn phục vụ tại bệnh viện dã chiến TP.HCM
Chống dịch hiện nay: Chiến lược hay chiến thuật?
Có lẽ những người hoạch định chính sách, chậm lại và xác định một cách rạch ròi quan điểm chung rằng chiến lược phải nhất quán, xuyên suốt và chiến thuật thực thi ứng phó linh hoạt phù hợp bối cảnh luôn thay đổi. Việc lúng túng, chồng lấn giữa chiến lược và chiến thuật trong việc hoạch định và thực thi chính sách chống dịch ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc xã hội. Và nói như nhà xã hội học người Đức Tilman Santarius khi bàn về chiến lược chuyển đổi số, ông đã đưa ra khuyến cáo rằng mọi chính sách/chiến lược phải thực sự hiệu quả và đúng hướng để tổng giá trị thu về không trở về không hay dưới không. Trong tình huống hiện nay, các cơ quan ban chính sách/chiến lược cần phải đảm bảo tính nhất quán nguyên tắc này và cân bằng giữa các biện pháp chống dịch như: Dịch tễ - an sinh xã hội – sinh kế, sản xuất, cần đề cao được các chỉ báo hiệu quả hơn các hoạt động: (1) hoạt động giãn cách, môi trường sống an toàn; (2) hoạt động cứu trợ an sinh xã hội; (3) hoạt động an ninh thương thực; (4) hoạt động tiêm chủng vắc xin tiến tới miễn dịch cộng đồng; (5) hoạt động giao thông và lưu thông hàng hóa thiết yếu; (6) hoạt động sản xuất và sinh kế người dân; (7) hoạt động điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh tật khác. Bên cạnh đó, tính hiệu quả này cần phải xem xét dưới góc độ không làm tăng những tác động rủi ro lây nhiễm dịch bệnh, các ca chuyển biến nặng, tử vong…
Theo dõi báo chí, bản thân tôi rất hoang mang mỗi khi đọc được các nội dung liên quan đến thay đổi “chiến lược”, bởi mỗi lần thay đổi chiến lược là thay đổi tầm nhìn. Trong tình thế hiện nay, tôi thiết nghĩ rằng các chiến lược chống dịch hiện nay cần phải rất thận trọng, đảm bảo thông tin đến người dân trước khi ban hành chính sách để người dân không “bị động”. Các chiến lược mới ban hành sẽ không làm tăng rủi ro dịch bệnh, tránh để rơi vào tình trạng tổng giá trị chiến lược chống dịch bằng 0, hoặc dưới 0, tức các chỉ số ca lây nhiễm, bệnh nặng và tử vong giảm, các giá trị phục hồi tăng. Bên cạnh đó, cơ quan chính quyền cần đảm bảo chiến lược ban hành dựa trên các luận cứ khoa học, dữ liệu chính xác và tầm nhìn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Đảm bảo cho các giá trị chống dịch giai đoạn trước không bị uổng phí
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh lần này cho thấy sự nguy hiểm của biến chủ Delta, đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, nền kinh tế các quốc gia trên thế giới chịu tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, vấn đề dịch bệnh tại Việt Nam, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có lẽ không đơn thuần là vấn đề của địa phương mà là vấn đề quốc gia và mang tính chất lâu dài theo hướng “trường kỳ kháng chiến” và học cách phòng bệnh thích ứng của đặc tính của virus. Thế cho nên, việc xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp cho chúng ta một viễn kiến về quá trình chống dịch, phòng dịch một cách rõ ràng với các bước đi, lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn. Tương ứng với đó là các tính toán về nguồn lực tài chính, vật chất cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh lần này. Cho đến lúc này, nguồn lực dự phòng quốc gia, vốn xã hội từ Nhân dân cũng đã cạn kiệt dần, việc tính toán chi tiết theo các nguyên tắc khoa học sẽ giúp chúng ta sử dụng hợp lý, bảo tồn các thành tựu chống dịch trong quá khứ, và dựa trên nền tảng đã đạt được, tiếp tục phát huy những hoạt động chống dịch để đảm bảo các giá trị chống dịch giai đoạn trước không bị uổng phí. Bên cạnh đó, các khía cạnh khác của đời sống xã hội như sản xuất, kết nối nguồn lực cũng cần được tiến hành song song nhưng đảm bảo mục tiêu phòng, chống dịch an toàn. Điều này sẽ giúp cho cơ quan nhà nước tái tạo được các nguồn lực mới cho công cuộc chống dịch dài hạn này. Bên cạnh chiến lược và nguồn lực quốc gia được triển khai theo tính hệ thống, nhất quán và minh bạch thì Nhà nước cũng cần tận dùng nguồn vốn xã hội, từ người dân có điều kiện và có lòng hảo tâm giúp đỡ người dân hoàn cảnh khó khăn. Việc kết hợp nguồn lực công – tư theo hướng hiệp lực sẽ giúp cho tổng nguồn lực quốc gia được huy động mạnh mẽ và hiệu quả.
Nhóm thiện nguyện OxyMap do một số doanh nhân ở TP.HCM thành lập vừa bắt đầu hoạt động cung cấp oxy y tế miễn phí cho bệnh nhân F0. Trong ảnh: Nhóm OxyMap đưa bình oxy y tế đến Quận 5 để hỗ trợ miễn phí người mắc Covid-19 ngày 26.8
Tận dụng nguồn vốn xã hội vào công tác chống dịch như thế nào?
Đối với truyền thống người Việt, tương thân tương ái có thể xem là một nguồn vốn xã hội quý giá của người Việt. Nếu có một bài toán thống kê những đóng góp về sức người, nguồn lực vật chất, tiền bạc trong đại dịch lần này có lẽ sẽ là số tiền rất lớn mà không có nguồn ngân sách nào có thể chi trả cho những công sức, tiền của đóng góp của người dân tại TP.HCM vừa qua. Các thông tin về các nhóm thiện nguyện cứu trợ như: Nhóm hỗ trợ quan tài, nhóm cứu trợ oxy, nhóm cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men và cả đóng góp tiền vào quỹ phòng chống dịch của Chính phủ... Với tinh thần thiện nguyện, vô vị lợi, nhiều người đã xông pha vào những vùng nguy hiểm của dịch bệnh đã cấp phát lương thực thực phẩm, các bếp ăn 0 đồng được lập ra đã cung cấp hàng triệu suất ăn trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Họ không nề hà thời gian, sức lực và cả những hiểm nguy đến sinh mạng, tất chỉ vì hai chữ “đồng bào”. Vậy mà có đôi lúc, chỗ này chỗ khác bị tắt vì vận hành Logistics, nhằm đảm bảo nguyên tắc giãn cách, phòng bệnh. Họ hiểu và chấp nhận những qui định đó nhưng đâu đó có chút trở ngại làm suy giảm phần nào tinh thần. Nhưng rồi họ cũng tìm được giải pháp với các cơ quan chức năng khi có giấy thông hành và các chuyến hàng cứu trợ, cấp cứu oxy, thuốc men vẫn âm thầm ngày đêm mang đến cứu giúp dân mình. Những hình ảnh này là nguồn vốn xã hội vô giá, vậy nên các cơ quan chức năng khi ban hành chỉ thị, chính sách nào đó liên quan đến phòng, chống dịch, xin lưu tâm đến nguồn vốn này, nó quý giá biết bao trong những ngày thành phố trong cơn bỉ cực vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, chiến lược chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia từ cộng đồng, thấy mình là một phần trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin minh bạch cho công chúng cần biết, hiểu và đánh giá về tính nhất quán của chính sách phòng chống dịch của chính quyền. Khuyến khích người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, sinh kế theo hướng giảm giảm nguy cơ rủi ro và hợp lý hơn. Khuyến khích các thành phần xã hội cùng tham gia vào hoạt động cứu trợ khẩn cấp và tái thiết xã hội.
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC
(Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội)