Chính quyền của dân

VHO- Ngày xưa, xã hội Việt Nam thời phong kiến chỉ có khái niệm “con dân” là của vua, của quan phụ mẫu; còn ngày nay, chúng ta luôn xác định “nhà nước là của dân, do dân và vì dân”. Vậy trên thực tế, mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền đang thể hiện như thế nào dưới những góc nhìn đa chiều?

Nhân dân với chính quyền: “Nhà nước của dân” được hiểu theo nghĩa: Người dân đóng thuế nuôi bộ máy chính quyền để phục vụ và bảo vệ lợi ích chính đáng của họ. Đa số người dân không cần hiểu sâu về lý luận mà chỉ cảm nhận trực quan về những gì chính quyền đã làm và đối xử với họ.

 Ở đâu cuộc sống người dân bình yên, thủ tục hành chính ít phiền hà, quan chức tôn trọng dân, luôn tìm cách khắc phục những khó khăn trong đời sống hằng ngày của dân và thực hiện tốt các chính sách do Chính phủ đề ra, cho dù chính quyền ở đó không đủ nguồn lực để làm tốt tất cả mọi việc, thì người dân vẫn biết ơn và sẵn sàng chung tay với chính quyền, vì họ coi đó thực sự là “chính quyền của dân”. Ngược lại, ở đâu còn có những người dân phải sống trong cảnh không có nước sạch, không đủ điện sinh hoạt, đường sá hư hỏng, quy hoạch treo suốt cả mấy chục năm không động đậy; thậm chí oan sai, tranh chấp kéo dài thì rất khó tạo ra sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ổn định chính trị, xã hội cao nhất trên thế giới - điều đó phản ánh lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Đồng thời, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo đạt thành quả ấn tượng nhất - đó là minh chứng hùng hồn cho mối quan hệ “chính quyền của dân, do dân và vì dân” ở cấp độ vĩ mô.

Tuy nhiên, trong đời sống xã hội không thể không có những biểu hiện thái độ khác, ví dụ như có những người sợ chính quyền nên không dám thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở, không dám tố giác quan chức tham nhũng; lại có những người luôn tìm cách soi mói, bới móc những sai lầm, thiếu sót, tiêu cực… không phải để góp ý xây dựng mà để chỉ trích, chia rẽ. Cụ thể như trong các đợt dịch vừa qua, khi số ca nhiễm và tử vong tăng cao, một số người đã “lu loa” là chính quyền thiếu năng lực, thiếu tầm nhìn chiến lược, đối phó lúng túng, không công khai, minh bạch... Dù rằng, những người có thái độ tiêu cực như vậy không nhiều, nhưng cũng khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng. Ở chiều ngược lại, những người hiểu biết và luôn suy nghĩ tích cực thì quan niệm, chính quyền như chiếc thuyền chở nhiều người đi trên dòng sông, nếu nó có bị hư ở chỗ nào thì tại sao không cùng nhau sửa chữa mà lại muốn đập phá cho nó hỏng thêm?

Chính quyền với nhân dân: Về lý luận, chính quyền vừa là “công bộc” lại vừa là quản lý, điều hành xã hội và bảo vệ lợi ích của dân. Hai chức năng này có cùng mục đích nhưng khác nhau về kỹ năng và cách thể hiện, nên cái khó của cán bộ nhà nước hiện nay là làm sao hài hòa được hai kỹ năng đó, như Bác Hồ và lớp cán bộ thời kháng chiến đã làm rất tốt. Thế nhưng, thực tế vẫn còn có những quan chức đã lãng quên hay cố tình không nhớ mình là “đầy tớ của nhân dân”, đã thoái hóa đạo đức và tự “chuyển hóa ngược” trở về thời phong kiến, thực dân...

Cổ nhân đã dạy “Dân như nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”. Đa số người Việt Nam đều có lòng yêu nước nồng nàn, không ai muốn giúp ngoại bang “lật thuyền”, tuy nhiên, vẫn luôn phải cảnh giác, đề phòng những đối tượng “cơ hội chính trị”. Dù vô tình hay cố ý, chúng giống như những kẻ “đục thuyền” để gây ra các cuộc “cách mạng màu” phản dân, hại nước đã xảy ra ở một số nơi trên thế giới. 

 TS.NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc