Chiến lược của niềm tin và hy vọng

VHO- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa thay mặt Chính phủ ký phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 làm nức lòng những người làm văn hóa nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Việc ký phê duyệt một chương trình, một dự án quốc gia của Chính phủ dù rất lớn chưa chắc đã tác động mạnh đến nức lòng người, nhưng phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa thực sự làm “lay động” bởi nội dung hướng trực diện đến con người và đời sống xã hội, đồng thời lại được phê duyệt ngay trong năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với tinh thần “nói đi đôi với làm”!

Chiến lược của niềm tin và hy vọng - Anh 1

Phấn đấu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện

Đúng vậy! Những vấn đề Đảng đặt ra trong Đại hội được đưa ngay vào cuộc sống đã thực sự làm nức lòng người! Nghị quyết và hành động là niềm tin của nhân dân. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII nhận định: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế, chính trị. Chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”; “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”. Chiến lược phát triển văn hóa với quan điểm đầu tiên khẳng định rõ: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội”. Quan điểm này kế thừa quan điểm có tính xuyên suốt quá trình cách mạng của Đảng về vị trí, vai trò Văn hóa, đồng thời có tính thời sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.

l

“Phải được đặt ngang hàng” là khẳng định mạnh mẽ việc khắc phục tồn tại “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế, chính trị”. Tuy nhiên, không ai hiểu “ngang hàng” là sự dàn hàng ngang trong phát triển mà là sự “phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trong đổi mới, chúng ta khẳng định rõ ràng rằng: Trước tiên tập trung đổi mới kinh tế. Thực tế, đổi mới đã đạt thành tích ngoạn mục về xóa đói giảm nghèo, đã đưa nền kinh tế đất nước phát triển ở tầm mức vượt trội trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong điều hành đã có lúc, có nơi hiểu chưa đúng về ưu tiên phát triển kinh tế trước. Đi trước một bước chứ không phải “quên văn hóa”, “để văn hóa lại sau”. Chưa quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”; “vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Hệ lụy của khiếm khuyết đó là không nhỏ trong thực tiễn đời sống xã hội và công tác xây dựng Đảng, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống và sự phát triển bền vững của đất nước.

Vấn đề “đầu tư chưa đúng mức” cũng sẽ được khắc phục ngay bằng chỉ tiêu, định mức cụ thể “phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách hằng năm”. Có thể nói, đây là quyết tâm có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Điều cần đặc biệt quan tâm là tăng mức đầu tư phải đi đôi với việc chống dàn trải và kém hiệu quả. Vấn đề này đặt lên vai những người làm kế hoạch đầu tư, tài chính, và văn hóa phải đổi mới tư duy, nâng tầm nhận thức về đầu tư phát triển văn hóa.

Quan điểm Chiến lược phát triển văn hóa được xác định rõ: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Mục tiêu lớn của Chiến lược cũng khẳng định “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Và trong những nhiệm vụ cụ thể có nhiệm vụ “Xây dựng con người phát triển toàn diện”. Rõ ràng, yếu tố con người được quan tâm hàng đầu. Điều này luôn luôn đúng như chân lý vậy. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện không phải khi nào yếu tố con người cũng được đặt đúng vị trí trung tâm bởi nhiều lý do, trong đó có “coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”!

Chiến lược phát triển văn hóa với quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ cụ thể sát với yêu cầu phát triển đất nước, khẳng định tinh thần đổi mới, ý chí của Đảng và nhân dân ta quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam thành nước có thu nhập cao vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá ngay trước thềm Hội nghị toàn quốc về văn hóa thực sự làm nức lòng toàn dân trong không khí quyết tâm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Văn hóa là con người, văn hóa là niềm tin vào tương lai tươi sáng! 

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC

Ý kiến bạn đọc