Cái nết đánh chết cái đẹp

VHO- Từ những câu chuyện về cuộc thi hoa hậu vừa qua còn đang tràn ngập trên mạng xã hội, nhiều người nhớ đến câu nói của người xưa “cái nết đánh chết cái đẹp”. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu câu nói đó giống nhau. Bằng chứng là cách đây đã khá lâu, một hoa hậu đã trả lời về ý nghĩa câu đó: “Cái đẹp có tội tình gì mà đánh chết nó…”. Và đã có nhà nghiên cứu văn hóa nào đó viết báo phê phán cô hoa hậu đó là “nông cạn” về kiến thức và giải thích rằng: Cái đẹp bề ngoài của con người sẽ phai tàn theo thời gian, tuổi tác nên sẽ “chết”, chỉ còn lại “cái nết”.

Có lẽ cả cô hoa hậu và tác giả bài báo đều không hiểu nghĩa bóng của câu nói. Người xưa gọi “cái nết” (danh từ) là tính cách của con người. Nếu là của người tốt thì gọi là “nết na”, nếu của người không tốt thì gọi là “xấu tính, xấu nết”. Với ngụ ý là “cái nết xấu” sẽ “đánh chết” cái đẹp bề ngoài. Tức là mọi người không còn yêu mến thì sẽ không còn thấy đẹp nữa. Thực tế về tâm lý chung thường thấy là, một diễn viên điện ảnh có nhan sắc nhưng phải đóng vai phản diện có nhiều hành vi phản cảm, lừa đảo, độc ác… thì nhân vật ấy bị mọi người ghét và không thấy đẹp nữa. Thậm chí diễn viên ấy còn bị tẩy chay khi không còn đóng vai ác. Điều đó phản ánh một quy luật tâm lý là khi người ta yêu thích thì thấy nó đẹp, khi bị khinh ghét thì thấy nó xấu và nói theo triết học là cảm nhận về cái đẹp và cái xấu mang tính chủ quan nhiều hơn tính khách quan. Vì thế ở phương Tây có câu: Nếu hỏi con cóc đực thế nào là đẹp thì nó sẽ chỉ vào một con cóc cái nào đó. Còn người Việt có câu: Yêu thì củ ấu cũng tròn, ghét thì quả bồ hòn cũng méo.

Trở lại câu chuyện hoa hậu, không cần nhắc lại những phát ngôn phản cảm mà cần phân tích về dư luận xã hội. Thực tế, đa số trên cộng đồng mạng đã chỉ trích gay gắt. Thậm chí còn đòi thu hồi vương miện vì cho rằng tính cách và trí tuệ ấy không xứng đáng là đại diện cho giá trị văn hóa Việt Nam. Điều đó nói lên người dân Việt Nam rất trân trọng giá trị văn hóa của mình. Và đến nay hầu như mọi người không còn nói về sắc đẹp của cô hoa hậu ấy nữa. Phải chăng chính “cái nết” tự kiêu, ảo tưởng đã “đánh chết” cái đẹp của cô trong con mắt mọi người?

Thế nhưng cũng có ý kiến bênh vực cô hoa hậu ấy bằng cách nói rằng, có phần trách nhiệm của xã hội, gia đình và Ban tổ chức. Vậy những trách nhiệm ấy cụ thể như thế nào ? Về trách nhiệm của Ban tổ chức có thể là về sự lựa chọn chất lượng không chặt chẽ. Nhưng những phát ngôn phản cảm và tự kiêu của hoa hậu không phải là “kịch bản” do Ban giám khảo yêu cầu cô nói, nên đó không phải là trách nhiệm trực tiếp. Về phía gia đình, chính người cha của hoa hậu chỉ xin dư luận “tha thứ” cho cô chứ không hề bênh vực con mình. Điều đó chứng tỏ gia đình không hề giáo dục cô phải nghĩ và nói như thế. Mặt khác, một người cha phải nuôi ba người con và cô ấy đã đến tuổi tự chịu trách nhiệm hành vi của mình và đã sống riêng nên đó không phải là trách nhiệm trực tiếp của gia đình.

Về phía xã hội, chính cô hoa hậu nói là cô đã “trưởng thành” hơn những “người cùng trang lứa”. Tức là cô đã nằm ngoài số đông nên những phát ngôn ấy hoàn toàn là tính cách, trí tuệ rất riêng biệt của cô ấy. Vì không nhà trường nào, và không ai ngoài xã hội đã dạy cô ta phải nghĩ và nói như thế. Mặt khác, “những người cùng trang lứa” với cô không phải chỉ biết đi chơi, uống trà sữa và… ngủ, mà tất cả đang thể hiện tài năng và trình độ văn hóa rất cao, cống hiến rất nhiều trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước. Như các cô gái vàng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, những người lao động chủ yếu trong các ngành kinh tế của đất nước và bảo vệ Tổ quốc…, họ là thế hệ đầy tài năng. Thậm chí có nhiều người xinh đẹp hơn hoa hậu nhưng vì không có điều kiện đi thi. Vì vậy, chỉ có họ mới có quyền tự hào về sự phát triển của đất nước chứ không phải do nhan sắc trung bình của một hoa hậu.

Nếu cho rằng xã hội và gia đình phải có phần trách nhiệm với hành vi phản cảm cụ thể của một cô hoa hậu thì giống như cách chỉ căn cứ vào một “sản phẩm lỗi” trong quá trình chế tác để gán cái lỗi đó cho khâu “thiết kế’ và quy chuẩn chất lượng. Không biết như thế có phải là do không hiểu về mối quan hiện biện chứng giữa cái chung và cái riêng hay còn vì điều gì khác? 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc