Buồn cười cho cái quy hoạch
VH- Những ngày qua, người dân làng biển Nam Ô (Đà Nẵng) phải lên tiếng “đòi lại” đường xuống biển.
Nghịch lý là, đường xuống biển vốn là của dân, đường mưu sinh. Sự việc bắt đầu “nóng” hơn khi chủ Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort & Spa của Tập đoàn Trung Thủy lắp đặt tường rào quanh khu vực đất dự án, chặn các lối xuống biển.
Đây không phải là sự việc đầu tiên, duy nhất. Thời gian qua, tại nhiều địa phương khu vực duyên hải miền Trung, thực trạng các dự án xây dựng tổ hợp khách sạn, resort, căn hộ cao cấp, các khu vui chơi giải trí ven biển… “bịt” các lối đi xuống biển, bị người dân phản ứng đã diễn ra.
Không thể phủ nhận ngành “công nghiệp không khói” đã và đang là lựa chọn phù hợp trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Không ít tỉnh, thành phố chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc khai thác lợi thế biển, quy hoạch biển, đặc biệt các diện tích đất ven biển của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đạt nhiều kết quả.
Song thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ ngành du lịch như tổ hợp khách sạn, resort, căn hộ cao cấp, các khu vui chơi giải trí ven biển… thì cần và phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Bởi, cùng với việc phục vụ, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài, các dịch vụ mọc lên trước tiên phải nhắm đến lợi ích người dân sở tại. Chưa giải được bài toán này nên hệ quả là chính quyền địa phương trong khu vực không ít lần phải vào cuộc yêu cầu doanh nghiệp trả lối xuống biển cho dân, hoặc “mua” lại đường cho dân xuống biển…
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort & Spa được thành phố phê duyệt nhưng chưa được cấp phép đầu tư, phần diện tích đất mà doanh nghiệp làm rào chắn nằm trong diện tích đất đã phê duyệt. Trong chuyến đi thị sát khu vực này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu doanh nghiệp mở lại đường cho dân xuống biển, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại dự án để báo cáo Thường vụ Thành ủy xem xét, giải quyết.
Nam Ô là làng biển cổ, có cánh rừng được gọi là rừng cấm, chưa bao giờ người dân nơi đây chặt bất cứ thân cây nào. Ở đây còn có mỏm đá – ghềnh đá tự nhiên nhoi ra giữa biển. Theo các cụ cao niên, mỏm đá này là cột tiêu để ngư dân Nam Ô trở về đất liền sau những chuyến đánh bắt, khai thác trên biển. Cánh rừng cấm, ghềnh đá cùng các di tích lịch sử bao đời nay là bình phong chở che cho dân làng biển Nam Ô, làm nên nét đẹp, bình yên cho mảnh đất này.
Quận Liên Chiểu đã trình lãnh đạo TP Đà Nẵng về dự án tại làng Nam Ô. Trong đó, xin giữ lại phần diện tích trên mỏm đá Nam Ô để tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh, làm thay đổi hiện trạng, vì đây là khu rừng được người dân Nam Ô tự giác bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay. Mới đây nhất, lãnh đạo TP Đà Nẵng trong buổi làm việc với Tập đoàn Trung Thủy đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, đồng thời thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, đề xuất phương án bảo tồn làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử của khu vực này...
Có lẽ đó là những tín hiệu đáng mừng, dẫu có muộn màng!
Anh Đào