Bền vững từ con người
VHO - Chúng ta đang hằng ngày vận động, cổ vũ cho sự phát triển bền vững, điều đó rất đúng, bởi không có bền vững thì đổ gãy luôn chực chờ. Nó như một cái cây lớn nhanh như thổi, nhưng thân mềm, bạo phát bạo tàn, chỉ cần một trận bão quét qua là tiêu tan. Một con đường xẻ ngang núi, bình thường thấy bon bon êm đẹp, nhưng chỉ một vài trận lũ quét qua thì sạt lở, đất đá đổ xuống, năm này qua năm khác phải dọn dẹp, nâng cấp tốn kém còn hơn khi chưa làm. Tất cả đều từ con người, từ chúng ta mà ra.
Tuy nhiên, chúng ta lại không chú ý đúng mức đến vấn đề, bền vững từ con người.
Có anh kỹ sư cầu đường vốn nghèo khó, sau những năm làm ăn thuận lợi trở nên giàu có, nhà có hàng mấy trăm tỉ đồng, ai thấy cũng mơ ước. Nhưng chẳng bao lâu, bỗng người ta thấy anh xơ xác, mặt mũi thất thần, té ra anh ta đang phải đi trốn nợ. Vì đâu nên nỗi? Vì anh sa vào cá độ bóng đá, cờ bạc. Giờ anh có muốn quay lại như người sống bình thường, thu nhập ít cũng không xong. Một người khác không cờ bạc nhưng ham giàu xổi, vay tiền “chơi” một cú nhà đất định hốt đậm, ai dè bất động sản “bất động”, bán lỗ cũng không được đành ngậm ngùi thế chấp hết gia sản, trả nợ ngày này qua ngày khác. Một người bán quà sáng rất đắt hàng, mỗi ngày có thể kiếm tới dăm ba triệu, thuộc loại thu nhập cao, nhưng lại sa vào “lô đề”, nai lưng ra bán mãi, bán mãi mà vẫn cứ nghèo. Ở một tỉnh, cũng có kha khá những cán bộ kiếm tiền cho con, đến lượt con vì ham giàu xổi, vì sa vào cờ bạc khiến nhà đất, gia sản mà cha mẹ tạo dựng bán sạch bách cũng chưa hết “âm”. Có quá nhiều trường hợp như vậy trong xã hội.
Lại nhìn sang các nước phát triển, không phải xã hội của họ tất cả đều an lành, nhưng những sự đổ gãy như vậy có lẽ ít hơn ở ta. Đặc biệt, tôi chú ý đến những công ty tồn tại hàng trăm năm, hàng mấy trăm năm, trong khi không ít doanh nghiệp ở ta rơi vào trường hợp “sớm nở tối tàn”, đời cha ăn mặn đời con khát nước. Vì sao vậy? Có thể vì ở ta, khi cha mẹ cố chí làm giàu rồi để lại tài sản cho con, đến đời con thì sẵn của nên đua đòi, ăn chơi, phá phách; đến đời cháu cùng kiệt thì quay lại phấn đấu… theo tấm gương ông bà. “Lỗ hổng” là ở chỗ họ đua nhau làm giàu mà không để mắt đến con cái, không uốn nắn cho con những điều cốt yếu, tối thiểu của đạo làm người, nhân cách sống. Kiểu cách sống kém cỏi của cha mẹ, như thói quen chụp giật, gian dối, chạy theo đồng tiền bất chấp tất cả, đôi khi vô tình “dạy” cho con thói xấu mà họ không hề biết. Những vụ đại án tham nhũng, hối lộ gần đây phần nào đã nói lên điều đó. Đến khi người ta nhận ra điều đó thì tất cả đã muộn màng; nhưng cũng có khi người ta không nhận ra, chỉ nghĩ rằng do số phận, đi cầu Trời khấn Phật cho điều xấu đi qua.
Rõ ràng, sự phát triển bền vững luôn phải bền vững từ con người. Bền vững ở sự vụ chỉ là cái ngọn, bền vững ở con người mới là cái gốc. Giả dụ, chỉ đạo cho ông kỹ sư cầu đường phải làm ta-luy thật kỹ để tránh sạt lở, nhưng ông kỹ sư lại quen thói ăn bớt, gian dối, đáng một trăm chỉ làm năm mươi, thì sao mà bền vững cho được!
Việc giáo dục con người phải bắt đầu từ gia đình và kết thúc cũng ở gia đình. Những chuyện như ở trên cũng bắt đầu từ gia đình và kết thúc ở gia đình. Cho nên thiển nghĩ, công tác giáo dục gia đình trước tiên và quan trọng nhất chính là tạo cho người ta ý thức được rằng: Giáo dục trong gia đình là điều gắn với lợi ích thiết thân của mỗi người. Bên cạnh gia đình là nhà trường. Thầy cô giáo có nói hay đến mấy mà cứ “đì” học sinh vì không đi học thêm, thì cũng là dạy cho con trẻ thói xấu của chính mình. Bên cạnh nhà trường còn có xã hội.
CAO CHƯ