Bay lên những giấc mơ
VHO - Nhà thơ Trần Vàng Sao, người tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Huế những năm 1960, cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha… nghe theo tiếng gọi núi sông, họ chia tay sông Hương núi Ngự lên chiến khu.
Trần Vàng Sao rất nổi tiếng với “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Nhưng, trong những ngày nắng như đổ lửa này, bỗng nhớ đến mấy câu thơ trong bài “Đứa bé thả diều trên đồng và vắt cơm cúng mả mới” của ông.
Bài thơ mở đầu bằng những câu thật giản dị: “Không có ai đi ngang qua đây để thấy con diều của tôi/Buổi trưa đứng bóng trên trời rất nhiều gió/Tôi nằm ngửa nhai mấy cọng cỏ gà/Nước cỏ non và mát trong cổ…”. Tuổi thơ của bất cứ đứa trẻ nào, dù ở nông thôn hay thành thị, dù ăn sung mặc sướng hay đêm đêm đi ngủ với cái dạ dày lép kẹp vì cảnh nhà nghèo khó thì cũng có cánh diều. Cánh diều chính là giấc mơ, giấc mơ được bay lên, bay cao. Cũng chính vì thế mà sau này dẫu cuộc sống đã khác xưa, cánh diều vẫn mãi còn. Mùa hè này ở Phan Thiết, người ta tổ chức Lễ hội thả diều - Hello Sunny. Hơn 100 cánh diều kích thước khác nhau đầy màu sắc với hình dạng các loài sinh vật biển vút lên bay lượn giữa bầu trời xanh đầy nắng gió. Có cánh diều tới 100m2. Khi màn đêm buông, cánh diều hiệu ứng tạo ánh sáng thật lung linh huyền ảo. Còn ở một nơi rất xa so với Phan Thiết, tại Mù Cang Chải, lại là Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng”, nằm trong chuỗi các sự kiện hoạt động du lịch “Mùa nước đổ”. Dịp này, có 40 phi công thực hiện hướng dẫn du khách bay trải nghiệm ngắm nhìn từ trên cao những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Đèo Khau Phạ dù đó hiểm nguy nhưng từ trên dù lượn nhìn xuống lại mang vẻ đẹp mơ hồ. Điểm bay dù lượn Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) ở độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển. Đây là một trong những điểm bay được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam. Nhân chuyện này, nhớ lại một sự kiện diễn ra vào ngày 17.11.2022, tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu), khi UBND tỉnh này phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức khai mạc Giải Dù lượn đường trường Putaleng Việt Nam mở rộng lần thứ 1. Phát biểu khai mạc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu nói, dù lượn đã biến giấc mơ bay lượn trên bầu trời của con người thành hiện thực. Với điều kiện địa hình, khí hậu riêng biệt, Lai Châu hướng tới xây dựng điểm bay dù lượn quốc gia; đưa Giải Dù lượn đường trường Putaleng Việt Nam mở rộng trở thành giải đấu chính thức trong hệ thống dù lượn của Liên đoàn Thể thao Hàng không quốc tế (FAI) và World Cup dù lượn. Cùng với người trong nước, giải lần đó có 35 phi công người nước ngoài đến từ Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Indonesia, Kazashtan, Malaysia, Nga, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Hồng Kông (Trung Quốc). Đỉnh Putaleng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương” với độ cao 3.049 mét, chỉ sau đỉnh Fansipan (cao 3.143 mét). Như vậy, từ việc gửi ước mơ vào cánh diều, con người không chỉ đứng trên mặt đất ngước lên trời mà còn “cưỡi diều” chao liệng. Đó là một bước tiến dài, là sự thăng tiến ngoạn mục của du lịch Việt Nam, của cuộc sống. Sự phát triển đó đã giúp bay lên những giấc mơ. Quan trọng là có nhìn ra lợi thế hay không và có dám bắt tay vào hay không. Mà suy cho cùng, cú hích tạo nên sự phát triển của xã hội loài người cũng thường bắt đầu từ những giấc mơ giản dị. Chỉ khác là con người không để những giấc mơ đó biến mất mà ấp ủ, nuôi dưỡng chờ ngày hiện ra giữa cuộc đời. Như Cô Tấm bước ra từ quả thị. Ngay trong năm 2024 này cũng thế, dù còn nhiều thách thức nhưng chúng ta vẫn tin vào mục tiêu đón 18 triệu lượt du khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và còn hơn thế nữa. Vì chúng ta đang bay trên đôi cánh của giấc mơ có thực. Từ những cánh diều…