Bảo tồn nhưng cũng phải biết vận dụng linh hoạt để sáng tạo và phát triển

VHO- “Văn hóa và kiến trúc nhìn từ di sản và di sản Huế” là chủ đề của cuộc Hội thảo khoa học vừa được tổ chức tại Lan Viên Cố Tích - Bảo tàng gốm sông Hương, cơ sở 2 (94-98 Bạch Đằng, thành phố Huế) hay có tên gọi khác là Điểm hẹn Liên văn hóa, một không gian đẹp trong một công trình kiến trúc đẹp, cổ kính nằm sát bờ sông Đông Ba. Không gian này cũng nằm cạnh chùa Diệu Đế, một trong 4 quốc tự của triều Nguyễn, và gần xóm Ngự Viên, nơi Nguyễn Bính từng sống và thổn thức: “Khách du lần giở trang hoài cổ/Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên”…

 Một cuộc hội thảo khoa học do một cá nhân vì tâm huyết đam mê với di sản văn hóa truyền thống, vì muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của tổ tiên mà không ngại khó để đứng ra kêu gọi các nhà nghiên cứu đồng chí hướng cùng tham gia. Chỉ trong một thời gian ngắn, hưởng ứng và chia sẻ tâm huyết với chủ nhân - GS.TS Thái Kim Lan, đã có hơn chục bài tham luận của các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, di sản, kiến trúc từ ba miền đất nước gửi đến đăng ký tham gia, tất cả đều hướng vào chủ đề trọng tâm: Văn hóa và kiến trúc nhìn từ di sản và di sản Huế.

Trong bối cảnh cố đô đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2045 trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế, yêu cầu nghiên cứu để nhận diện và xác định rõ những đặc trưng của văn hóa Huế, con người Huế là hết sức cần thiết. Bởi vậy, cuộc hội thảo này là một đóng góp cần thiết, ý nghĩa và kịp thời.

Đặc trưng nổi bật của văn hóa Huế là gì?

Theo GS.TS Thái Kim Lan, đó là đặc tính “Ở GIỮA” - HUẾ BETWEEN.

Do hoàn cảnh địa lý - Huế nằm ngay chính giữa trên bản đồ địa lý Việt Nam và với cả lịch sử Việt Nam; Huế đã là một trung tâm văn hóa quốc gia lớn nhất, kinh đô triều Nguyễn. Trên vùng đất được vua Trần Nhân Tông (thế kỷ thứ XIV) khai mở như một điều kiện chiến lược phát triển về phương Nam - một xu hướng quyết định cho sự phát triển toàn diện của lãnh thổ Việt với một chính sách hoà bình kinh tế và hội nhập văn hóa qua đám cưới của Công chúa Huyền Trân với Chế Mân, mở đầu cho cuộc toàn cầu hóa như một khả thể tồn tại lâu dài cho quốc dân Việt Nam.

“Ở giữa” chính là sự giao thoa đa văn hóa, luôn đối diện hay đi cùng với các nền văn hóa khác nhau mà vẫn giữ được bản chất văn hóa bản địa. Một cuộc đi mà các tiền nhân đã trải qua với nhiều kinh nghiệm đã trở nên di sản cho người đi sau kế thừa một cách tự hào.

Cũng từ đặc trưng “ở giữa” này mà từ trong quy hoạch đô thị, cách tạo lập môi trường sống cho đến phong cách kiến trúc, Huế luôn luôn tạo được sự cân bằng, hài hòa rất đặc biệt. Một thủ phủ, rồi kinh đô của nước Việt Nam thống nhất lại được cấu trúc bằng hai phần/hai nửa âm - dương rất hài hòa, đó là Đô thành/Kinh thành ở phía đông (phía mặt trời mọc), tức phần dương cơ và thế giới lăng mộ, đàn miếu ở phía tây (phía mặt trời lặn), tức phần âm cơ gắn bó chặt chẽ với nhau trong một cơ thể đô thị thống nhất, kết nối bằng dòng sông huyền thoại - Hương Giang - dòng sông Thơ, nguồn sống của xứ Huế.

Nhận diện rõ những đặc trưng của Huế gìn giữ, bảo tồn nhưng cũng phải biết vận dụng linh hoạt để sáng tạo và phát triển, đó mới là cách để bảo tồn và phát huy kho tàng di sản văn hóa Huế một cách hiệu quả và bền vững. Đây cũng là quan điểm chung của các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo. Bởi vậy, dù các tham luận có nội dung khác nhau nhưng cùng hướng đến một mục đích chung và đồng điệu ở cách nhìn.

Nhìn rộng ra từ cuộc hội thảo này càng thấy rõ chân lý “Đi đến tận cùng dân tộc chúng ta sẽ gặp nhân loại”.

Đó chính là điều mà mỗi địa phương cũng như cả đất nước nên làm trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực để hòa nhập cùng thế giới. 

TS PHAN THANH HẢI

 

Ý kiến bạn đọc