Báo động đạo đức xuống cấp

VHO- Vụ án chị Cao Mỹ D, nữ sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên bị 5 kẻ "mặt người dạ thú" sát hại lúc đi giao gà chiều 30 Tết (ngày 4.2) đã gây chấn động dư luận bởi hành vi man rợ, coi thường pháp luật của các đối tượng gây án.

Báo động đạo đức xuống cấp - Anh 1

  
Đây là thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của một số bộ phận trong xã hội hiện nay. Nếu không có lời khai của các đối tượng này chúng ta khó có thể hình dung được thủ đoạn tàn độc mà chúng đã thực hiện. Bởi vì, hành vi của những kẻ man rợ này không nằm trong tiềm thức, suy nghĩ của chúng ta, nếu có thì chỉ trong các bộ phim cổ trang thời phong kiến. Khi mô tả những kẻ có quyền, gian ác tìm bắt con gái nhà lành đưa về nhà hãm hiếp, giết người bịt đầu mối, nhưng đó cũng chỉ là... phim mà thôi, khó có thể xác tín! 
Tính chất đặc biệt nghiêm trọng ở vụ án này còn thể hiện ở chỗ, các đối tượng phạm tội lập kế hoạch cụ thể, chi tiết để cướp của, hiếp dâm, giam giữ, giết người bịt đầu mối. Hành vi của chúng có ý đồ từ trước, phạm tội trong thời gian dài chứ không phải là hành vi bột phát, tức thì. Đặc biệt, sau khi thực hiện hành vi tội ác man rợ chúng lại nhởn nhơ, coi như không có chuyện gì xảy ra như lấy điện thoại nạn nhân, đi chơi tết bình thường... 
Khó có thể dùng lời lẽ nào để lột tả hết hành vi man rợ, tàn độc, coi thường pháp luật của các đối tượng này. Cùng với vụ tạt a-xít và cắt gân nạn nhân ở Quảng Ngãi và một số vụ nghiêm trọng khác xảy ra thời gian gần đây là minh chứng đáng báo động về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, lối sống tha hóa, suy đồi đang gia tăng đáng lo ngại hiện nay. 
Việc xử lý nghiêm minh với hình phạt tử hình - loại bỏ vĩnh viễn những kẻ chủ mưu, cầm đầu gây ra tội ác ra khỏi xã hội là khó tránh khỏi, phải làm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội, lấy lại niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, đạo đức xã hội là điều cần lưu tâm, đáng bàn sau vụ án này. 
Ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức, coi thường pháp luật không chỉ là tuyên truyền, vận động đưa ra các chuẩn mực đạo đức... một cách chung chung. Đặc biệt không phải chỉ là trách nhiệm của một vài Bộ, ngành liên quan mà là sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. 
Bên cạnh đó, để không xảy ra các vụ án tương tự về sau cần phải có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, toàn diện của các cơ quan chức năng. Trong đó, phải đưa các biện pháp phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn, coi đó là ưu tiên hàng đầu, chủ yếu. Trở lại vụ án trên, cả 5 đối tượng gây án đều là thành phần bất hảo tại địa phương, đều nghiện ma túy, có nhiều tiền án, tiền sự nếu được quản lý tốt, khoanh vùng kịp thời khi vụ án xảy ra có thể chị D không bị xâm hại đến tính mạng. 
Không nên quá thụ động, bất ngờ để xảy ra các vụ trọng án, đặc biệt nghiêm trọng rồi mới vào cuộc điều tra, xử lý vì e rằng như thế là quá muộn và các vụ án tàn độc, nghiêm trọng, thương tâm vẫn cứ xảy ra. 

THS PHẠM VĂN CHUNG 

Ý kiến bạn đọc