Ban ngày thì đi rong chơi...

VHO- Tết Nguyên đán sắp tới, mọi người đều hối hả. Nhịp sống xưa nay vẫn vậy. Thời gian Tết không giống như nhịp sống đều đều trong năm, vì đây là thời gian… có Tết. Biết bao việc người ta phải làm, nào là lo thực phẩm, quần áo, xe cộ, bánh trái, hoa quả, nào cúng quảy, nào vui chơi…

Nhưng, có những việc lẽ ra có thể giải quyết từ đầu và giữa năm như sửa sang, quét dọn nhà cửa…, thì như một tập quán, đầu năm người ta cứ đủng đà đủng đỉnh ngày dài tháng rộng có gì mà phải vội; giữa năm thì nghĩ còn mấy tháng nữa mới đến Tết, cứ tà tà, lai rai cho khỏe 
 cuối năm bỗng dưng đụng đâu cũng thấy còn việc phải làm, thế là hối hả như vào mùa vụ. Ca dao có câu: “Ban ngày thì đi rong chơi, Đến lặn mặt trời đổ lúa ra xay”. “Đổ lúa ra xay” về đêm thì còn có thể chấp nhận, có nơi người ta còn “đổ lúa ra quay”, tức là phơi lúa… lúc mặt trời sắp lặn!
Nước tới chân mới nhảy, tâm lý đủng đỉnh kiểu này có lẽ bắt nguồn từ thời làm nông nghiệp kiểu truyền thống. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, công bằng mà nói, xưa kia trong nông vụ, tháng Giêng là rảnh rỗi, cây lúa đang bén rễ ngoài ruộng nên không có gì phải vội, không giống như sản xuất công nghiệp phải vận hành ngay máy móc, cũng không giống như việc nhà nước luôn có sẵn trên bàn giấy của ông công chức. Ông nông dân sau tháng Giêng là tháng ăn chơi thì tiếp liền cũng có công việc: Tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà. Thời gian nông nhàn cũng có giới hạn.
Đến các nơi, kể cả ở tư sở và công sở, cái thật đáng cười là người ta hối hả tất bật chà rửa sàn nhà, lau cửa kính, kê dọn bàn ghế… thôi thì muôn thứ bà giằn không kể hết được. Giả như cứ tốc độ làm việc thế này suốt trong năm, thì có lẽ người ta đã… bay lên tới cung trăng! Cũng có trường hợp không phải do thói quen mà người ta cố tình… “đủng đà đùng đỉnh”. Một năm nọ, ở tỉnh lẻ kia, dư luận rộ lên vì trường học nhiều nơi xuống cấp, sắp đổ nát, nguy hiểm cho cán bộ giáo viên và học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Thiên hạ đề nghị phải xây dựng lại trường cho khang trang, vững chắc. Áp lực khiến ngành Tài chính cấp phát nhiều tỉ đồng để xây lại phòng ốc, thiên hạ ai cũng lấy làm mừng. Nhưng bỗng nhiên lại có tin ngành Giáo dục trả lại tiền cho tỉnh. Chuyện gì lạ vậy? Ghé qua Sở GD&ĐT mới vỡ lẽ: Vì kinh phí cấp về cuối năm nên không thể giải ngân kịp. Người ta không đơn giản muốn xây trường là đem xi măng, gạch ngói ra xây, mà còn phải lên phương án thiết kế, lập dự toán, chờ được phê duyệt. Sao lại cấp kinh phí về cuối năm khi nó không phải là việc đột xuất? Cán bộ Sở này không giải thích được, chỉ nói rằng “cái ấy phải hỏi Sở Tài chính!”. “Đủng đà đủng đỉnh” như vậy có “ý tứ” gì phía sau không, ai mà biết được, nhưng cái hại thì rõ ràng: Có tiền mà việc quan trọng cấp bách vẫn không làm được, vì bị “vũ khí thời gian” ngăn trở.
Thời gian là thứ cứ phải lần lượt qua đi, bất chấp ta có làm gì hay không. Việc “câu giờ” cũng là một rào cản cho sự phát triển. Không cứ ông tài chính, ông duyệt dự án cũng có thể là tác nhân cản trở, khi người làm thì chờ mãi sốt ruột, còn người duyệt thì cứ “đủng đà đủng đỉnh”, “từ từ nghiên cứu”, rồi tỉnh bơ như không có gì... Thời gian không chờ đợi ai. Sự phát triển có tốt hay không, một phần quan trọng là phải biết tận dụng thời gian, chứ không thể: Ban ngày thì đi rong chơi, Đến lặn mặt trời đổ lúa ra xay! 


 CAO CHƯ 

Ý kiến bạn đọc