Bản lĩnh, kiên định và sáng tạo
VHO- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay! Đó là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài gần 80 năm, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với những biến cố lớn của đất nước và thế giới.
Có thể nói, con đường cách mạng Việt Nam đã được định hướng lý tưởng XHCN ngay từ năm 1920, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp cận với Luận cương của Lênin về dân tộc và thuộc địa.
Thành quả đầu tiên mang ý nghĩa lịch sử trọng đại là sau 10 năm (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với sứ mệnh lãnh đạo Cách mạng Việt Nam và sau 15 năm (1945) đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám giành lại độc lập, khai sinh nước Việt Nam DCCH. Một Nhà nước “dân chủ nhân dân” do Đảng Cộng sản cầm quyền lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng và CNXH là lý tưởng và mục tiêu.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng với niềm tin sắt đá vào lý tưởng XHCN, Việt Nam đã lần lượt đánh bại phát xít Nhật, và hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Sau 21 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thắng lợi vẻ vang, trong thắng lợi lịch sử đó có sự giúp đỡ nhiệt tình và to lớn của các nước trong hệ thống XHCN cùng với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Khi đất nước bước vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội chưa được bao lâu và còn đang phải khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm thì trật tự thế giới biến động đột ngột và rung lắc rất mạnh. Trong bối cảnh bất lợi ấy, nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ buộc phải từ bỏ lý tưởng XHCN để hội nhập vào thế giới. Nhưng điều đó đã không xảy ra, đất nước vẫn kiên định là “Cộng hòa XHCN Việt Nam”do Đảng lãnh đạo.
Vậy Đảng Cộng sản Việt Nam đã tháo gỡ tình thế khó khăn đó như thế nào?
Từ khi miền Bắc mới được giải phóng đã bắt đầu xây dựng CNXH theo nguyên tắc đó. Nhìn chung, hầu như không còn hình thức kinh tế tư nhân từ quy mô nhỏ nhất là hộ gia đình. Mô hình kinh tế đó bộc lộ nhiều khiếm khuyết và sau này có rất nhiều ý kiến phê phán chỉ trích cho rằng đó là sự lạc hậu về lý luận dẫn đến quan liêu, giáo điều, kìm hãm năng suất lao động và rối loạn về lưu thông phân phối theo kiểu bao cấp. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm lịch sử cụ thể thì thấy mô hình kinh tế đó có vai trò rất quan trọng đối với hình thức kinh tế thời chiến, đòi hỏi nhà nước phải quản lý chặt chẽ các nguồn nhân lực và vật lực cho chiến tranh, buộc phải áp dụng chế độ tem phiếu để bảo đảm những nhu cầu tối thiểu cho toàn dân và chỉ có như thế mới có thể thực hiện được khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”. Tuy nhiên, ngay trong khi phải áp dụng mô hình kinh tế thời chiến rất chặt chẽ, cũng đã có sự sáng tạo về lý luận và hoạt động thực tiễn. Đó là tư duy của Bí thư tỉnh Vĩnh Phú - người đề xuất chính sách “khoán hộ” trong các hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1966-1968 đã thúc đẩy năng suất lao động và tăng sản lượng lương thực làm tiền đề cho những đổi mới về quản lý kinh tế sau này.
Khi đất nước đã chuyển sang thời bình nhưng mô hình kinh tế thời chiến vẫn tồn tại nên các khiếm khuyết cũ đã phát triển thành những lực cản, đó là tình trạng “ngăn sông cấm chợ” và hình thành “thị trường chợ đen” do các tư thương thao túng. Đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng.
Đường lối Đổi mới được khởi xướng từ 1986 là sự đột phá về tư duy lý luận với nội dung cơ bản là chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần - có cả tư nhân, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Nói cách khác, đây là sự thay đổi về chất của tư duy lý luận. Chuyển từ “mô hình XHCN hình thức” của thời chiến có biểu hiện giáo điều - nâng lên “mô hình XHCN biện chứng” coi trọng tăng cường lực lượng sản xuất và năng suất lao động. Vì đó là yếu tố quyết định sự thành công của CNXH.
Trên mặt trận văn hóa, từ nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng” của Đề cương về Văn hóa năm 1943 đã nâng lên thành xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đó là sự sáng tạo về lý luận, vẫn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời hướng đến xây dựng nền văn hóa hiện đại.
Trên mặt trận ngoại giao cũng có sự phát triển lý luận biện chứng: Từ đường lối ngoại giao thời chiến nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của phe XHCN và các lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới chống chiến tranh xâm lược đã phát triển thành xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương, làm bạn với các nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, gác lại quá khứ hướng đến tương lai. Đồng thời tuyên bố chính sách quốc phòng “bốn không” (không có căn cứ quân sự của nước ngoài, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước kia, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay được thế giới nhìn nhận thể hiện trên những đánh giá như: Việt Nam là một trong những nước ổn định chính trị nhất, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất châu Á, có sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài, hấp dẫn du lịch, có nền văn hóa phát triển đa dạng phong phú và có những con người thân thiện, cởi mở… Đó chính là thành quả của sự kiên định lý tưởng XHCN cùng với bản lĩnh sáng tạo về lý luận và năng động, linh hoạt trong hoạt động thực tiễn dưới sự lãnh đạo nhất quán, trực tiếp của Đảng. Thực tế đó tự nó là sự bác bỏ mạnh mẽ nhất đối với những luận điệu xuyên tạc lý tưởng CNXH và phủ nhận năng lực lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN