Bài học về sự chuyên nghiệp…

VHO- Mấy ngày nay, dư luận xôn xao chuyện cô ca sĩ nọ hủy show một đêm diễn tri ân 5 nhạc sĩ với lý do thật khó chấp nhận đối với công chúng: Nhầm lịch. Cô ca sĩ báo hủy với Ban tổ chức chỉ 2 ngày trước buổi diễn dù đã nhận lời trước đó 2 tháng. Và đương nhiên như thường lệ, những rao giảng về đạo đức nghề nghiệp, về đối nhân xử thế… lại được cất lên tràn ngập mạng xã hội. Đứng bên ngoài những suy luận, bình phẩm ít nhiều cảm tính, ở đây tôi muốn nói về sự chuyên nghiệp.

 Nếu quả thật cô ca sĩ kia nhầm lịch thì đây là một sự cố không thể chấp nhận được đối với một người đã có thâm niên trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đã được xếp vào hàng ngũ các “sao”. Cho đến hôm nay, công chúng không còn lạ lẫm với những người làm nghệ thuật nói chung, những ca sĩ nói riêng có công ty tổ chức biểu diễn, có người (hoặc đội ngũ) quản lý, hoặc chí ít là thư ký hay trợ lý để tổ chức, giao dịch, sắp xếp, lên lịch các show diễn, các hoạt động tham gia sự kiện… Đó là sự biểu hiện rõ nhất, cao nhất của tính chuyên nghiệp trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Trong trường hợp không có được một đội ngũ trợ thủ đắc lực như vậy, người nghệ sĩ cần phải có một tác phong làm việc, một tư duy sắp xếp, bố trí, phân bổ công việc hết sức nghiêm túc và khoa học. Tất cả những điều này thể hiện sự tôn trọng của người nghệ sĩ đối với các đơn vị tổ chức, đối với khán giả và đối với chính công việc của mình. Đó là văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ. Trở lại với câu chuyện của cô ca sĩ kia, hai chương trình mà cô nhầm lịch, một là chương trình có yếu tố quan hệ ngoại giao quốc tế, một là chương trình tri ân 5 nhạc sĩ, trong đó 2 nhạc sĩ có tác phẩm ít nhiều làm nên tên tuổi của cô quả là điều khó thể tất nhìn từ góc độ chuyên nghiệp của người nghệ sĩ.

Tiếp đến, theo như “trần tình” của cô ca sĩ trên trang facebook cá nhân về những vấn đề liên quan đến cát xê thì có vẻ như ca sĩ và Ban tổ chức chương trình thỏa thuận với nhau bằng… miệng. Lại tiếp một biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp mà ở đây là của cả Ban tổ chức và ca sĩ. Khi đã có bất cứ một thỏa thuận, giao dịch liên quan đến tài chính, nhất định phải được thể hiện trên văn bản, hợp đồng. Đó là cơ sở để quy định, ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết. Đó là căn cứ để phân định đúng sai, phạt, bồi thường khi các bên có vi phạm gây ảnh hưởng, thiệt hại đến quyền lợi vật chất của nhau. Đó là bằng chứng cao nhất trong trường hợp cực chẳng đã phải đưa ra pháp luật. Trong trường hợp này, nếu đừng đơn giản, xuê xoa, nếu “giấy trắng mực đen” ngay từ đầu, đừng làm việc với niềm tin theo kiểu “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, có lẽ giờ đây các bên đã không mất công phân bua, giãi bày, trong đó có những điều “không tiện nêu”, những thông tin mà theo dư luận là “khẩu thiệt vô bằng”…

Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Dư luận rồi cũng sẽ lắng xuống sau cao trào như biết bao lần đã từng. Tuy nhiên, hình ảnh của cô ca sĩ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng trong mắt công chúng. Các bên chắc chắn đều đã nhận được những bài học cho mình. Bài học về sự hành xử chuyên nghiệp. Một bài học không mới, nhưng luôn phải thuộc trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa hôm nay. 

DUY PHONG

Ý kiến bạn đọc