"Then Kin Pang" - Nét văn hóa đặc sắc của người Thái

VHO- Lễ hội Then Kin Pang với nhiều nghi lễ, trò diễn, điệu múa, phản ánh quan niệm tín ngưỡng, ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa tộc người. Đây là nét văn hóa được đồng bào dân tộc Thái gìn giữ từ nhiều đời nay và ngày càng lan tỏa thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách gần xa.

Then Kin Pang - Net van hoa dac sac cua nguoi Thai - Anh 1

Nghi thức cúng Then tại lễ hội Then Kin Pang của người Thái ở Lai Châu

Người Thái ở Lai Châu là dân tộc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số toàn tỉnh. Người Thái sống tập trung ở những khu vực ven sông, suối thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Có hai ngành là Thái Đen (Tay Đăm) và Thái Trắng (Tay Khao hoặc Tay Đón). Trong đó, người Thái đen cư trú ở các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, người Thái trắng cư trú tại các huyện Phong Thổ, Mường Tè, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu.

Trải qua quá trình phát triển, người Thái ở Lai Châu có kho tàng văn hóa truyền thống rất phong phú và đa dạng. Trong đời sống tâm linh, họ tin vào sự tồn tại của mường Then, nơi có Then và tạo bản quan mường, tức là các vị thần cai quản đất, trời, mưa, nắng. Cuộc sống của con người ở trần gian sướng hay khổ là do Then và các tạo ban cho. 

Trong các nghi lễ liên quan đến mo Then của người dân tộc Thái, lễ hội Then Kin pang tiếng Thái có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây nêu là lễ hội lớn nhất, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của tộc người Thái. Lễ hội này được người Thái tổ chức để cầu xin Then và các vị thần mường trời ban cho sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, khi hoa nở, cây cối đâm chồi khắp vùng miền núi phía Bắc.

Then Kin Pang - Net van hoa dac sac cua nguoi Thai - Anh 2

Lễ hội Then Kin Pang có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái ở Lai Châu

Trung tâm của lễ hội Then Kin Pang là cây nêu "sặng pang" được làm từ 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại. Trên đó có hoa chuối là món yêu thích dành cho linh hồn của các loài thú rừng cùng đến hưởng lộc, hoa tươi và hoa bằng chỉ màu tượng trưng cho núi rừng, bản mường tươi đẹp, những con côn trùng bằng giấy tượng trưng cho cuộc sống no đủ, muôn loài đều có ăn; hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng, các dải vải màu là đạo cụ để đội múa trình diễn phục vụ Then và các vị thần.

Lễ hội Then Kin Pang của người dân tộc Thái diễn ra từ 1 đến 2 ngày. Trong thời gian này, thầy mo Then ngồi trước mâm cúng và bàn thờ Then để hát Then theo tiếng đệm sáo. Lời hát Then tường thuật một hành trình kỳ bí của linh hồn thầy mo then trên đường đi lên mường trời mời Then xuống trần chơi hội, xin Then ban cho sức khỏe, may mắn cho bà con dân bản, mời then thụ lộc và tiễn then về mường trời.

Then Kin Pang - Net van hoa dac sac cua nguoi Thai - Anh 3

Người Thái tin vào sự tồn tại của mường Then, nơi có Then và các vị thần cai quản đất, trời, mưa nắng

Lễ hội Then Kin Pang gồm 2 phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện các nghi thức cúng, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất, thần linh, cầu mong các vị thần ban phước lành, che chở, là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong vùng vượt qua khó khăn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như: “Thỉnh đoàn quân mo”, “Thỉnh thần linh bản mường”, “Điểm Mâm” hay “Dâng rượu cần”..

Phần hội gồm các phần múa, trò diễn tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn như: “Tăng bu tăng bẳng”, “Thuồng luồng uống nước”, “Voi uống nước”,“Trâu cày ruộng”, “Sinh thực khí”... Người Thái quan niệm, khi phần hội diễn ra, Then và các vị thần trời cũng đang hòa vào đội múa, cùng uống rượu và say sưa múa hát. Điệu múa khăn càng vui, cảng tưng bừng thì các Ngài càng vui lòng và ban cho dân bản những điều tốt đẹp nhất.

Đây cũng là phần náo nhiệt nhất của lễ hội, đoàn con nuôi của Then cùng tập trung xung quanh cây nêu, múa các điệu múa truyền thống của dân tộc. Với người Thái, vua quan mường trời chính là các tạo bản quan mường thưở xưa, ăn uống no say thì phải được xem múa hát. Họ quan niệm ngay khi diễn ra lễ hội này, các vua quan mường trời cũng đang hòa vào sân hội để múa hát cùng các thiếu nữ.

Các thiếu nữ biểu diễn điệu múa “Tăng bu tăng bẳng” và điệu sinh thực khí. Họ cùng nhau nện ống tre xuống sàn gỗ tạo thành âm vang lớn giả làm tiếng sấm, cầu mưa cho mùa màng tươi tốt, điệu sinh thực khí mang đậm tính phồn thực phản ánh ước vọng của người Thái về sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. 

Then Kin Pang - Net van hoa dac sac cua nguoi Thai - Anh 4

Trình diễn điệu múa "Tăng bu tăng bẳng" cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng tốt tươi

Lễ hội Then Kin Pang không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh mà còn là không gian gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái như tiếng nói, trang phục, ẩm thực và văn nghệ dân gian. Hội Then Kin Pang cũng là dịp để người Thái ôn lại lịch sử phát triển dân tộc và giáo dục, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho con cháu.

Với hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, mang đậm nét văn hóa riêng có, Lễ hội Then Kin Pang của đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là dịp kết nối cộng đồng các dân tộc tạo  nên sức mạnh đoàn kết để xây dựng, phát triển bản mường, từng bước đưa các giá trị di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Lai Châu-vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc.

QUỲNH VY; ảnh N.CHÂM

Ý kiến bạn đọc