Tạo đột phá từ giá trị đặc trưng
VHO- Nhận rõ vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, tỉnh Cao Bằng đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa; thu hút sự tham gia trực tiếp của người đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch.
Cao Bằng tập trung bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch Ảnh: HÒA BÌNH
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then
Cao Bằng là một trong 11 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc được UNESCO ghi danh là địa phương có di sản Then. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Then Tày Cao Bằng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là phát triển du lịch.
Trong giai đoạn 2021-2030, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng xác định phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, là một trong 3 nội dung đột phá để tỉnh tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng du lịch gồm các dự án, đề án đầu tư phát triển du lịch, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bổ trợ và các dự án đầu tư dịch vụ khác, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề tài, đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Toàn tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành), nghề rèn của người Nùng An (xã Phúc Sen), Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa); Lượn cọi dân tộc Tày (huyện Bảo Lâm); Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ, xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình). Năm 2023, tỉnh Cao Bằng hoàn thiện hồ sơ di sản “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng”, trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng Sầm Việt An cho biết: “Then Tày, Nùng của Cao Bằng có nguồn gốc từ xa xưa, là loại hình diễn xướng dân gian đi vào đời sống của nhân dân qua rất nhiều thế kỷ. Trước đây, Then được đưa vào biểu diễn trong cung đình của nhà Mạc và từ đó lại trở ra dân gian. Then ở Cao Bằng vì thế có nét đặc sắc riêng cả về làn điệu, nội dung, phương pháp, số lượng nghệ nhân. Qua làn điệu hát Then, đàn Tính tỉnh Cao Bằng muốn giới thiệu nét di sản văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch, từ đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời gian tới”.
Đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Hoài Khao tham gia lớp truyền dạy in hoa văn sáp ong trên vải
Điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng
Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã có kế hoạch và triển khai cụ thể các nội dung, nhiệm vụ.
Trao đổi với Văn Hóa, bà Nông Thị Thủy, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nguyên Bình cho biết, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Dự án 6 hỗ trợ các địa phương rất nhiều trong phát triển văn hóa, du lịch; bồi dưỡng cán bộ văn hóa và các nghệ nhân và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. “Thực hiện Dự án 6 một cách hiệu quả cũng có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời là phương tiện để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ở địa phương chúng tôi là việc đề xuất các giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có di sản Then gắn với phát triển du lịch”, bà Nông Thị Thủy nói.
Năm 2023, huyện Nguyên Bình đã hình thành, cho ra mắt các Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính (xã Thành Công), với hơn 30 thành viên để phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Nguyên Bình cũng mở các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính (xã Vũ Minh); truyền dạy Nôm Dao (xã Hưng Đạo)…
Để phát huy những lợi thế, tiềm năng to lớn về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, UBND huyện Nguyên Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển dịch vụ - du lịch bền vững giai đoạn 2022-2025. Đến nay, một số làng du lịch, hạng mục đầu tư đã hoàn thiện, đưa vào quản lý, khai thác như: Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành; kết nối với khu nhà tường trình của nhóm hộ Nà Rẻo, xóm Tam Hợp, xã Thành Công; điểm ngắm cảnh trải nghiệm vườn trúc sào tại xóm Bản Phường, xã Thành Công; điểm tham quan vọng cảnh trên đỉnh Phja Oắc 1.931m.
Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành với 100% người đồng bào dân tộc Dao Tiền, nằm trong thung lũng nhỏ thuộc quần thể Lũng Cam - Phja Oắc. Các ngôi nhà gỗ có ngói âm dương của Hoài Khao có sức hút đặc biệt với du khách. Người Dao Tiền ở đây vẫn gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình qua những lễ hội, nghề truyền thống. Hằng năm, người dân xóm Hoài Khao tổ chức các lễ hội như lễ lấy sáp ong, lễ cấp sắc, lễ mừng lúa mới. Nghề chạm bạc, dệt vải, thêu tay và đặc biệt là in hoa văn, họa tiết trang phục bằng sáp ong cũng mang cho Hoài Khao vẻ đẹp khác biệt.
Chủ tịch UBND xã Quang Thành Hoàng Quốc Chấn cho biết: “Thực hiện Dự án 6, từ năm 2022 đến nay, chúng tôi đã sử dụng hiệu quả kinh phí của Dự án để mua sắm trang thiết bị, đạo cụ, nhạc cụ… phục vụ Đội văn nghệ xóm Hoài Khao, hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ. Năm 2024 chúng tôi cũng đề xuất một số nội dung thực hiện liên quan đến Dự án để tiếp tục hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch”.
CẨM TÚ