Rực rỡ sắc màu trang phục người Pà Thẻn

VHO- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vừa phối hợp với UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang) tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang. Đây là hoạt động thiết thực triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Rực rỡ sắc màu trang phục người Pà Thẻn - Anh 1

Các học viên tham dự lớp tập huấn, truyền dạy

 Tham dự lớp tập huấn, truyền dạy có 20 học viên là người dân tộc Pà Thẻn; cán bộ viên chức, công chức làm công tác văn hóa, dân tộc cấp huyện, cấp xã; hạt nhân câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đoàn thể trong thôn, bản; trưởng thôn, bản; người có uy tín trong cộng đồng; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Trong thời gian tham gia lớp tập huấn, truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn các học viên được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch, nghệ nhân dân tộc Pà Thẻn, người am hiểu, có kinh nghiệm về chế tác trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn truyền đạt một số nội dung: Khái quát về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số (cơ sở lý luận về khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa dân tộc thiểu số...); thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn; các yếu tố ảnh hưởng và xu hướng biến đổi nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn; vai trò của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn trong hoạt động bảo tồn và phát huy nghề làm trang phục truyền thống; phát huy vai trò của các bên tham gia như các nghệ nhân, đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, lực lượng cán bộ công chức, cộng tác viên văn hóa xã bản, các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch, khách du lịch... trong việc bảo tồn và phát huy nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Pà Thẻn; các nguyên tắc, phương pháp, kỹ năng, quy trình các bước bảo tồn và phát huy nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Pà Thẻn; trình diễn thực hành chế tác trang phục truyền thống; trưng bày, giới thiệu sản phẩm trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch; truyền dạy kiến thức và kỹ năng cắt, may trang phục truyền thống.

Rực rỡ sắc màu trang phục người Pà Thẻn - Anh 2

 Bằng sự tỉ mỉ, người phụ nữ Pà Thẻn tạo ra những sản phẩm có sắc màu rực rỡ

Sống giữa núi rừng trùng điệp, dệt vải, thêu thùa là công việc thường ngày của phụ nữ dân tộc Pà Thẻn. Từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được mẹ cho làm quen với việc tước lanh, làm sợi… Khi chưa đến tuổi cập kê, các thiếu nữ đã thạo việc dệt vải, nhuộm màu, trang trí hoa văn cho những chiếc khăn, tấm áo. Từ những sợi lanh, sợi bông thô ráp, với đôi tay khéo léo, sớm chiều cần mẫn bên khung cửi, các thiếu nữ dệt thành những tấm thổ cẩm cầu kỳ, nền nã, đẹp tươi.

Dân tộc Pà Thẻn có bộ sưu tập các mẫu hoa văn vô cùng phong phú, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác. Trước hết, đó là hệ thống hoa văn hình học cơ bản như hình chữ thập, tam giác, hình vuông, hình thoi… phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, thân váy; rồi hoa văn hình người, chân chó, mắt cua, con nghé, sừng trâu phức tạp hơn; tiếp đó là hoa văn cây thông, cây cỏ và một số loại thuốc quen thuộc của đồng bào là những chất liệu độc đáo, tôn vinh thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.

Rực rỡ sắc màu trang phục người Pà Thẻn - Anh 3

 Phụ nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống

Bằng sự tỉ mỉ, người phụ nữ Pà Thẻn tạo ra những bộ váy áo với sắc đỏ rực rỡ, màu chàm của nam giới, trẻ em được chú ý bởi chiếc mũ đội đầu nhiều màu sắc, mũ bé gái có những chùm bông len đỏ. Đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn là những phụ kiện không thể thiếu đi kèm váy áo. Thời gian để dệt hoàn thiện một bộ trang phục với một người phải mất khoảng một tháng. Trong đó, khó làm và tốn nhiều công sức nhất là việc tạo ra những họa tiết, hoa văn cầu kỳ.

Các sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Pà Thẻn giờ đây không chỉ cung ứng cho khách hàng tại chỗ mà còn là một trong những sản phẩm du lịch được du khách tìm mua, tạo công ăn việc làm ổn định, từ đó khích lệ bà con dân tộc Pà Thẻn gìn giữ được nghề truyền thống. 

 MINH HOÀNG; ảnh: T.THỦY

Ý kiến bạn đọc