Quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, đậm màu sắc văn hóa dân tộc

VHO - Là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, sau dịch Covid-19 Thái Nguyên đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Thái Nguyên đã triển khai với nhiều công việc cụ thể.

Quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, đậm màu sắc văn hóa dân tộc - Anh 1

 Bà con dân tộc Tày xóm Mỏ Gà biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách

 Tỉnh Thái Nguyên ưu tiên nguồn lực đầu tư cho huyện Định Hóa để hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới (NTM) như: Dành nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ xây dựng 4 nhà văn hóa tại 4 xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã Tân Thịnh và Lam Vỹ chưa về đích NTM của huyện Định Hóa. Hoàn thiện hồ sơ thực hiện, trình thẩm định các bước theo quy định hiện hành đối với Dự án tu bổ Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khuôn Tát, xã Phú Đình. Dành nguồn vốn sự nghiệp để xây dựng 1 mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại xã Phú Đình và 1 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình; lồng ghép tổ chức xây dựng 19 mô hình, mẫu hình văn hóa tại các địa phương…

Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại huyện Định Hóa. 17 xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 6 xã của huyện Định Hóa và 3 xóm thuộc 3 xã của huyện Phú Bình đã được hỗ trợ mua sắm 20 bộ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao đối với nhà văn hóa - khu thể thao. Di tích nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân tại làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa) cũng đã được tu bổ.

Từ nguồn vốn đầu tư phát triển, ngành VHTTDL cũng hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định thực hiện Dự án bảo tồn Làng truyền thống dân tộc Nùng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), nhằm bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững theo mô hình Bảo tàng sinh thái và Bảo tàng cộng đồng. Xóm Tân Đô là nơi có đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống và đang lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Nùng.

Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thái Nguyên, huyện Võ Nhai là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch với những thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Thời gian qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh và ngành văn hóa, thể thao và du lịch, huyện đã quan tâm phát triển du lịch với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, thu hút đầu tư phát triển ngành Du lịch. Huyện cũng tập trung phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, đậm màu sắc văn hóa dân tộc - Anh 2

 Khách du lịch trải nghiệm làm bánh giầy cùng người dân địa phương

Với địa hình có dãy núi đá vôi xen lẫn núi đất trùng điệp tạo nên những thắng cảnh đẹp tự nhiên của núi rừng. Quần thể hang động Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà và hang động khác như: Nà Kháo, Hang Huyền... có nhiều nhũ đá tạo nên cảnh quan đẹp. Mái Đá Ngườm ở xã Thần Sa là cái nôi ra đời sớm nhất của người Âu Lạc. Rừng Khuôn Mánh xã Tràng Xá là nơi thành lập đội cứu quốc quân II và nhiều hang động, di tích khác đã đi vào lịch sử của dân tộc. Nằm dưới dãy núi Phượng Hoàng hùng vĩ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng và làng bản đồng bào dân tộc Tày xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai đang thu hút đông đảo du khách với nét văn hóa bản địa hết sức chân phương, mộc mạc.

Đình Mỏ Gà nằm ngay đầu làng là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian… và là nơi gắn kết của cộng đồng làng xã. Bên cạnh đình Mỏ Gà, nhà văn hóa xóm đã tạo thành không gian văn hóa, giúp cho người dân địa phương và du khách hiểu hơn về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa nơi đây. Không gian sinh hoạt chung ở khu vực nhà văn hóa và các homestay trong làng cùng với các hoạt động giao lưu văn nghệ; trải nghiệm làm bánh, hái quả; ẩm thực đặc sắc; chơi các trò chơi dân gian… cũng đã giúp hình thành thêm các sản phẩm mới, thu hút du khách.

Bà Hoàng Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho biết: “Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận năm 2021. Từ đó đến nay, bà con luôn cố gắng gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của dân tộc Tày và tham gia tích cực trong hoạt động đón khách du lịch. Có thể nói, cuộc sống thay đổi rõ nét từ khi làm du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thêm các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, tập huấn đào tạo nghiệp vụ du lịch và hỗ trợ bà con trong việc mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động văn nghệ…”. 

HOÀNG OANH

Ý kiến bạn đọc