Phát triển du lịch bền vững từ di sản văn hóa bản địa
VHO - Khao khát lưu giữ bản sắc tộc người và phát triển du lịch xanh, bền vững dựa vào nội lực cộng đồng, đồng bào dân tộc tại Tả Phìn, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã cùng khai thác giá trị về tri thức, di sản văn hóa bản địa gắn liền với du lịch, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.
Đồng bào ở Tả Phìn phát triển du lịch xanh gắn với bản sắc tộc người Ảnh: TAPHIN’S
Hài hòa lợi ích từ du lịch
Bản Tả Phìn có hơn 700 hộ dân với khoảng 3.700 nhân khẩu sinh sống ở 6 thôn bản. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 52,7%, dân tộc Dao hơn 35%, dân tộc Kinh chỉ chiếm 1,4%. Hoạt động kinh tế chủ yếu của bà con là nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng. Là một điểm đến nổi tiếng ở Sa Pa, Tả Phìn thu hút khoảng 44.500 khách du lịch tới thăm quan mỗi năm, trong đó 30% là khách quốc tế. Các hộ gia đình ở khu vực xung quanh được hưởng lợi từ du lịch Tả Phìn thông qua cung cấp dịch vụ và các hoạt động liên quan.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa là định hướng dài lâu mà chính quyền và người dân nơi đây nỗ lực thực hiện. Đến với Tả Phìn, du khách được trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào với những điểm nhấn như tham quan Tu viện cổ Tả Phìn, khám phá bản làng, trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao đỏ, dệt thổ cẩm...
Trước đây, sự tăng trưởng của ngành du lịch tại Tả Phìn bị giới hạn do thiếu dịch vụ với tiêu chuẩn chất lượng, cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp và thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Do đó, lợi ích kinh tế của cộng đồng bị hạn chế. Đứng trước thực trạng đó, các cấp chính quyền, lãnh đạo và bà con có chung trăn trở làm thế nào để khai thác thế mạnh địa phương, nâng cao sinh kế cho bà con và phát triển du lịch bền vững. Để giải quyết vấn đề này cần có một tổ chức đứng ra làm đầu mối liên kết các hộ làm du lịch, tối đa hóa lợi ích, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm trong phát triển du lịch cộng đồng hướng tới phát triển bền vững tại Tả Phìn.
Giải pháp được chính quyền và các đơn vị tư vấn đưa ra là cần có một tổ chức tập hợp bà con làm du lịch trong bản về một mối. Tổ chức này sẽ là nơi chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ cho bà con, khai thác tối đa thế mạnh của địa phương, nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng. Trải qua quá trình khảo sát, nghiên cứu, trên cơ sở thế mạnh của địa phương và phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn đã được thành lập vào tháng 9.2019, trong khuôn khổ đề xuất “Xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã du lịch và dịch vụ cộng đồng do phụ nữ Dao đỏ đồng quản lý tại thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai”.
Gìn giữ, khai thác, quảng bá bản sắc truyền thống
Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn được xây dựng nhằm cung cấp dịch vụ mang đậm giá trị văn hóa bản địa, đồng thời kết nối và phát huy tiềm lực cộng đồng nhằm thúc đẩy kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên. Bà Lý Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: “Hợp tác xã là ngôi nhà chung của những người bản địa, nơi các thành viên có thể nâng đỡ, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, giúp đỡ nhau có thêm thu nhập, đẩy mạnh phát triển bền vững và cải thiện kinh tế. Song song với đó là gìn giữ, lưu truyền bản sắc truyền thống tộc người, quảng bá rộng rãi đến với những người đam mê khám phá, cung cấp những dịch vụ mang đậm giá trị văn hóa riêng độc đáo. Du khách tham gia sử dụng dịch vụ của Hợp tác xã là trải nghiệm cuộc sống cộng đồng, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình người dân địa phương”.
Bà Lý Tả Mẩy cho biết thêm, Hợp tác xã có 38 hộ tham gia, chia thành 7 nhóm, gồm: Nhóm kinh doanh homestay, nhóm hướng dẫn viên bản địa, nhóm trải nghiệm thuốc tắm người Dao, nhóm làng nghề truyền thống, nhóm kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhóm kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và nhóm kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, sản phẩm dịch vụ du lịch trải nghiệm khác gồm có: Hái thuốc cùng đồng bào, tham quan lớp học chữ Dao ở nhà Nghệ nhân Nhân dân Tần Vần Siệu, trải nghiệm học thêu và có sản phẩm mang về, vẽ sáp ong, học gói bánh gio…
“Sau khi có Hợp tác xã, bà con có tiếng nói chung, hoạt động chung nên không còn cạnh tranh về giá cả, dịch vụ. Thay vì mọi người tăng giá tắm thuốc lá người Dao, dìm giá homestay thì nay đều có quy định, nhà mỗi người một vẻ nhưng có sàn chung. Tính cộng đồng được nâng lên, bà con thay đổi nhận thức về vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ để đón nhiều du khách hơn. Ngoài việc mang lại thu nhập cho các thành viên, hoạt động của Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ còn góp phần tích cực thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao trình độ, khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội”, bà Lý Tả Mẩy bày tỏ.
Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, xong đồng bào ở Tả Phìn đã biết kết hợp làm du lịch xanh với nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy bán hàng online, tham gia các hoạt động như chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại cộng đồng và tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho cộng đồng ổn định hơn. Đặc biệt, cộng đồng cũng tự hào về bản sắc, từ đó biết cách giữ gìn, phát huy các nét độc đáo của văn hóa tộc người, phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống Dao đỏ và Mông đang có nguy cơ bị mai một. Từ đó, khai thác, quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc mình để giới thiệu tới khách du lịch, tạo nên sức hấp dẫn cho vùng đất này.
TRUNG NGHĨA