Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

VHO - Tối ngày 23.11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam, Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu VHTTDL các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023 đã chính thức khai mạc. Một chương trình nghệ thuật được đầu tư quy mô, hoành tráng, với sự xuất hiện của những giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành lời chào mừng ấn tượng cho chuỗi sự kiện lần này.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các đại biểu với đồng bào

Dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm.

Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thuỷ; lãnh đạo các Ban, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, địa phương và đông đảo nghệ nhân, diễn viên quần chúng, đồng bào DTTS…

Tôn vinh những di sản vô giá của dân tộc

Phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước thềm lễ khai mạc, chúng ta hết sức vinh dự và phấn khởi khi đón nhận tin vui Việt Nam trúng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027 với số phiếu cao. Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO; thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp thiết thực của Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị di sản văn hóa; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm theo như nhận định của Tổng Giám đốc UNESCO.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 2

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các đại biểu trao quà cho đồng bào DTTS

Bộ trưởng nhấn mạnh, từ khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, ánh sáng và những giá trị vượt thời gian của bản Đề cương về Văn hoá Việt Nam 1943, đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tới Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển văn hoá là nguồn lực, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu ra 2 luận điểm về văn hóa gồm Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hộiXây dựng nền Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bộ trưởng nhấn mạnh, văn hóa truyền thống của các DTTS là di sản quý giá; không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương mà là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống từ bao đời nay đã, đang được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cùng các dân tộc chung tay bảo tồn, củng cố và phát triển.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 3

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 4

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các đại biểu dự Lễ khai mạc

Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn, được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần hướng tới phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Văn hóa có sức mạnh kết nối các dân tộc để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam, Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu VHTTDL các dân tộc Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em; kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 5

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc

“Chuỗi sự kiện lần này với phương châm để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về văn hóa dân tộc mình hứa hẹn sẽ mang lại bầu không khí vui tươi, đoàn kết, với nhiều hoạt động như tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, không gian văn hóa, tái hiện các lễ hội độc đáo của các dân tộc, các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc… Trong đó, có nhiều sự kiện lần đầu được tổ chức như Lễ hội Pồn Pôông của dân tộc Mường (Thanh Hóa), triển lãm ảnh Sắc màu các dân tộc Việt Nam... Đây là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng tin tưởng ngày hội sẽ mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với nhân dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; để những thế hệ sau biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình thông qua hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của dân tộc; cùng nhau thể hiện tinh thần đoàn kết để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Phát biểu chào mừng và chỉ đạo tại lễ khai mạc, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta; là cội nguồn sức mạnh để dân tộc trường tồn và phát triển. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 6

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18.11.1930 – 18.11.2023) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giải quyết căn cơ những vấn đề thực tiễn đặt ra, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng phát triển; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đề cao cảnh giác, không mắc mưu các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cũng nhân dịp này, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bộ cũng cần tiếp tục sưu tầm, bảo tồn, phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của 54 dân tộc anh em; kết hợp văn hóa với phát triển du lịch; quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa Việt Nam đến với du khách và bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, khát vọng bảo tồn di sản

Điểm nhấn của lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật Sắc màu hội tụ và tỏa sáng với 4 chương Những cung bậc của núi; Hồn non nước; Miền đất câu hò, điệu ví và Về phương Nam. Trên sân khấu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thuộc nhiều vùng văn hóa đã tỏa sáng. Những thanh âm vang vọng nhưng không kém phần ngọt ngào đã giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên thể hiện sự tự hào về những đặc trưng trong văn hoá của dân tộc mình.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 7

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 8

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 9

Tham dự các hoạt động, nghệ nhân Hoàng Văn Mín (dân tộc Thái, tỉnh Sơn La) xúc động chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi đồng bào các dân tộc trên cả nước đã cùng về với Ngôi Nhà chung dịp này để thể hiện tinh thần đoàn kết, “chung sức, đồng lòng” vì công cuộc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Có thể nói, đêm khai mạc đã nêu bật được tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức cùng chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cũng nhân dịp này, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp những thế hệ đi sau cần biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam”.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 10

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 11

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 12

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 13

Chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hoá tại Lễ khai mạc

Vượt đường xa để được hòa mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội đại đoàn kết, nghệ nhân Y Tum Ayũn (dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk) cho hay: “Nhờ có Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam, đồng bào chúng tôi có dịp hội ngộ, cùng vẽ nên “bức tranh” đại đoàn kết dân tộc với những gam màu mang đậm màu sắc văn hóa. Cùng với đó, đồng bào được thể hiện sự tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống thông qua tinh thần để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình. Với tuần lễ, ý thức trách nhiệm của toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa đã được khơi dậy mạnh mẽ”.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 14

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 15

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống - Anh 16

Cũng trong ngày 23.11, nhiều hoạt động trong khuôn khổ Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam và Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2023 đã diễn ra

Hay với cụ Phạm Thị Tắng, dân tộc Mường (Thanh Hóa), cụ cho hay: “Ở nhà vui một thì đến với ngày hội, tôi vui mười. Ngày hội là dịp để người Mường chúng tôi giao lưu văn hóa, thể thao với các dân tộc anh em trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Hóa. Thế hệ chúng tôi đã già, chỉ mong sao con cháu giữ gìn được những di sản văn hóa phi vật thể. Con cháu sau này làm sao vừa giữ gìn, vừa phát huy, không để di sản bị mai một là chúng tôi vui lắm!”.

 ĐÌNH TOÁN - HOÀNG ANH; ảnh: XUÂN TRẦN - TUẤN MINH - NAM NGUYỄN

Ý kiến bạn đọc