Nhân lên niềm đam mê với cồng, chiêng, trống K’ toang
VHO- Những ngày qua, tại Nhà văn hóa khu phố Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh (Bình Định), rộn ràng các âm thanh của nhạc cụ truyền thống. Đây là lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng, chiêng, trống K’ toang (trống đôi) cho học viên là công chức văn hóa xã, nghệ nhân, đồng bào dân tộc Bana, Chăm H’roi ở địa phương do Sở VHTT Bình Định tổ chức.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương truyền dạy tại lớp tập huấn
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: “Nằm trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), chúng tôi đã mời những chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian về tận làng để truyền dạy, thực hành diễn tấu cồng, chiêng, trống K’toang cho cán bộ và người dân. Ngoài ra, cán bộ và người dân còn được quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thông tin về thực trạng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể gắn phát triển du lịch ở Vân Canh; giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để khai thác, xây dựng thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch”.
Là một trong những học viên nhiệt tình tham gia học tập, chị Mai Thị Kim Oanh, đồng bào Chăm H’roi vui nói: “Mỗi lần, được thấy nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương đánh trống và truyền dạy nghệ thuật biểu diễn của trống K’toang thì lớp trẻ phụ nữ chúng tôi rất hào hứng. Cũng từ học đánh trống K’toang mà chị em còn biết thêm về nhạc điệu dân ca, chập chã, đặc biệt biết thêm những nét đẹp của đồng bào mình đang lưu giữ”.
Ông So Lan Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh cho biết: “Trong các loại âm nhạc thời cổ xưa của người Chăm H’roi cồng, chiêng là loại nhạc cụ có vị trí quan trọng nhất trong cộng đồng. Cồng, chiêng cùng với trống K’toang không chỉ là nhạc cụ phục vụ cho đời sống tinh thần của cộng đồng, mà còn là nhạc cụ gắn liền với tín ngưỡng dân gian, các bậc cao niên rất quý trọng cồng, chiêng, trống K’toang và xem như là vật linh thiêng. Tất cả trong các bài cống tế tâm linh của người Chăm H’roi đều có đánh cồng, chiêng, trống K’toang hoặc mỗi khi có thú dữ vào làng phá hoại mùa màng thì cộng đồng cũng dùng cồng, chiêng và trống xua đuổi”.
Các nghệ nhân truyền dạy và thực hành nghệ thuật đánh cồng, chiêng
Theo nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru, ngày xưa làng nào cũng phải sắm cồng, chiêng, mỗi khi hoàng hôn về hay đêm đến các nam thanh niên trai tráng tập họp đánh cồng, chiêng đi xung quanh làng. Quan niệm của già làng đánh cồng chiêng là để cho làng được mùa, cho đời sống người dân đủ đầy, sung túc, đồng thời là nhằm để truyền dạy cho con, cháu. “Bây giờ cồng, chiêng là nhạc cụ âm nhạc độc nhất của dân làng, đánh cồng, chiêng gắn kết được mọi người và làng có tiếng cồng, chiêng là thể hiện cuộc sống ấm no của dân làng”, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru chia sẻ.
Nói đến công tác bảo tồn, trong đó có nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm H’roi là cồng, chiêng và trống K’toang, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh cho rằng, cần xây dựng nhà bảo tồn truyền thống, đi đôi đẩy mạnh sưu tầm, vận động đồng bào thu gom các hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể. Từ đó có thể trình bày, giới thiệu cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết, tự hào, gắn bó, yêu quý hơn về nền văn hóa truyền thống của dân tộc. “Công việc bảo tồn, chấn hưng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, song được các nghị quyết của Đảng soi sáng, mà trực tiếp là sự quan tâm đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cộng với sự nhiệt tình, nỗ lực lớn của các ngành, các cấp liên quan, của những cán bộ, những nghệ nhân, trong đồng bào, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các các tộc thiểu số trong tỉnh”, ông Yang Danh hy vọng.
PHAN HIẾU