Người K’Ho dưới chân núi Lang Biang làm du lịch

VHO - Cộng đồng người Cil, Lạch thuộc dân tộc K’Ho vốn là những cư dân định cư lâu đời tại khu vực chân núi Lang Biang, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Từ cuộc sống chủ yếu dựa vào việc lên nương rẫy trồng ngô, trồng lúa, chăn nuôi gia súc…, trong những năm gần đây, đồng bào đã biết tận dụng các giá trị văn hóa truyền thống để làm du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của cộng động và góp phần bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình...

Người K’Ho dưới chân núi Lang Biang làm du lịch - Anh 1

Du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người K’Ho dưới chân núi Lang Biang

Ngày lên rẫy, đêm về nổi chiêng đón khách

Chúng tối tìm đến nhà chị Cil Nil vào chiều muộn khi chị vừa từ rẫy về. Không có thời gian để nghỉ ngơi, chị tất tả thay bộ trang phục truyền thống của người K’Ho và cùng chúng tôi ra khỏi nhà.

Theo chân chị chúng tôi đến địa điểm biểu diễn trên khu du lịch Lang Biang thì thấy đã có khá đông du khách có mặt tại đây để thưởng thức lễ hội cồng chiêng. Giữa không gian nhà dài truyền thống được phục dựng lại là một đống lửa lớn đang cháy rực, xung quanh bày sẵn những bình rượu cần để phục vụ du khách. Các chàng trai cô gái người K’Ho bắt đầu nổi chiêng nhảy múa, ca hát quanh đống lửa hòa chung với những bài chiêng vui nhộn. Lúc đầu, du khách còn e dè nhưng sau ít phút đã hòa cùng các chàng trai cô gái của buôn làng nắm tay nhau cùng nhảy múa say sưa. Cứ thế mọi người cùng uống rượu cần và nhảy múa đến khuya mới tan cuộc.

Sau khi mọi người về gần hết, chị Cil Nil mới có thời gian dành cho chúng tôi. Chị chia sẻ, “Bình thường công việc chính của mình là hằng ngày vẫn lên rẫy trồng bắp, cà phê... đến tối mới về tham gia biểu diễn các tour cồng chiêng như thế này để phục vụ khách du lịch. Mỗi đêm biểu diễn như thế mình được trả 300 ngàn, nhiều khi còn được khách cho thêm nữa, vừa vui lại vừa có tiền”. Theo chị không phải đêm nào cũng có tour để diễn mà chủ yếu là vào những ngày cuối tuần hay lễ, Tết. Khi đó khách du lịch đông thì chị và những thành viên trong nhóm mới đi diễn.

Người K’Ho dưới chân núi Lang Biang làm du lịch - Anh 2

Già làng Krajan Plin (ngoài cùng bên trái), một trong những người tiên phong trong việc làm du lịch cộng đồng tại Lạc Dương

Là một trong những người K’Ho đầu tiên làm du lịch, già làng Krajan Plin năm nay mới ngoài 60 tuổi nhưng đã có trên 20 làm du lịch cộng đồng. Ông cho biết: “Mình vốn là một người con của buôn làng K’Ho. Dòng họ mình đã định cư nhiều đời dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ này. Khi nhận thấy nhiều khách du lịch khi đến đây đã rất thích thú với những nét văn hóa của người đồng bào như múa cồng chiêng, ẩm thực, rượu cần… nên sau nhiều lần suy nghĩ mình đã quyết tâm sẽ làm du lịch bằng việc thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng mang tên “Những người bạn Lang Biang”, gồm 12 thành viên là những chàng trai, cô gái say mê đàn hát, đánh cồng chiêng đầy nhiệt huyết. Họ còn là những nghệ sĩ đa năng, chơi được rất nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cơ Ho như thổi sáo bầu kơm buốt, hát đối đáp dêh kô, dêh lơng... Ngoài việc diễn tấu cho du khách, nhóm còn phục vụ cho buôn làng trong những dịp buôn làng có lễ lạt, đám cưới, đám hỏi”.

Đến nay, ngoài việc duy trì nhóm cồng chiêng mình còn mở thêm một nhà hàng ẩm thực phục vụ du khách bằng những món ăn truyền thống của người K’Ho như cà đắng da trâu, thịt hun khói, cơm lam, cá suối, rau rừng…

Chính từ việc nhìn thấy được sự thành công của già Karajan Plin đã tạo tiền đề cho nhiều nhóm cồng chiêng ra đời. Hiện nay chỉ tính riêng trên địa bàn thị trấn Lạc Dương đã có 11 nhóm cồng chiêng được thành lập lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ du khách.

Người K’Ho dưới chân núi Lang Biang làm du lịch - Anh 3

Múa cồng chiêng phục vụ du khách

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Ngoài cồng chiêng, dệt thổ cẩm của người K’Ho từ lâu cũng nhận được sự quan tâm đối với du khách khi đến đây. Chị Ka Hen ở buôn Đăng Ja cho biết, “Vào những khoảng thời gian nhàn rỗi, thường tranh thủ dệt thổ cẩm truyền thống đem bán trong các khu du lịch, dệt bao nhiêu cũng không đủ bán bởi vì hàng dệt truyền thống tuy không thể làm nhiều được nhưng được cái bán được giá cao và khách du lịch rất thích”.

Bên cạnh việc tận dụng các giá trị truyền thống để làm du lịch, những người trẻ cũng có cách làm du lịch mới mẻ và độc đáo cho riêng mình. Tiêu biểu phải kể đến cô gái Rolan Cơ Liêng. Chị đã tận dụng nguồn cà phê Arabica nổi tiếng tại đây để tạo ra thương hiệu cà phê sạch K’Ho. Vừa làm cà phê sạch chị vừa kết hợp làm du lịch. Tại cơ sở của mình chị thường xuyên tổ chức đón các đoàn khách trong và ngoài nước ghé tham quan, tìm hiểu quy trình làm cà phê sạch; sau đó, chính chị còn trở thành hướng dẫn viên đưa du khách đi khắp buôn làng để kể những câu chuyện về văn hóa, cuộc sống của người dân nơi đây.

Người K’Ho dưới chân núi Lang Biang làm du lịch - Anh 4

Người K’Ho Cil, Lạch dưới chân núi Lang Biang làm du lịch cộng đồng

Nhằm đem lại sự trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách, hiện nay nhiều công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã mở các tour du lịch giao lưu văn hóa cồng chiêng cho du khách đến đây trải nghiệm. Tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn như khu du lịch Lang Biang, Làng Cù Lần… đều có đội cồng chiêng riêng để phục vụ du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.

Nhìn thấy được sự thay đổi và sung túc của buôn làng, già Krajan Plin tự hào, “Buôn làng biết tận dụng cái vốn có của dân tộc mình để làm du lịch nhằm phát triển kinh tế cho buôn làng là một việc tốt. Tuy nhiên, cái mà già vui nhất chính là việc thông qua đó đã giúp cho các thế hệ trẻ người K’Ho bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Ngoài ra, còn giới thiệu đến bạn bè khắp nơi khi đến đây hiểu hơn về văn hóa, đời sống, phong tục tập quán của người Cil, Lạch nói riêng và người K’Ho nói chung”.

Được biết, già làng Krajan Plin đã dành rất nhiều thời gian, công sức đi khắp các buôn làng sưu tầm, ghi chép, các thể loại ca dao, dân ca, tục ngữ để biên soạn bộ Luật tục K’Ho. Đến nay, bộ Luật tục do già sưu tầm, biên soạn đã có tới 1.000 điều, chia làm 50 chương, được sắp xếp trình bày rất logic. Nội dung xuyên suốt bộ Luật tục sẽ được trình bày thành một bản trường ca dễ đọc, dễ nhớ.

Người K’Ho dưới chân núi Lang Biang làm du lịch - Anh 5

Du khách thích thú thưởng thức đặc sản rượu cần Lang Biang

Chính từ nét đặc trưng về văn hóa cũng như tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng nơi đây, thời gian qua chính quyền huyện Lạc Dương đã định vị và xây dựng tuyến du lịch văn hóa cộng đồng đặc sắc. Đến nay du lịch văn hóa cộng đồng nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách có dịp đến với vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng.

Theo đại diện Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Lạc Dương, chính từ các mô hình du lịch văn hóa gắn với cộng đồng này đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách đến với địa phương. Trong năm 2023, đã có hơn 2,5 triệu lượt khách đến với Lạc Dương, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ loại hình du lịch cộng đồng do chính người dân bản địa thực hiện. Đây cũng là một hình thức thiết thực để địa phương vừa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người K’Ho nói riêng.

THÀNH KHIÊM

Ý kiến bạn đọc