Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu VHTTDL các dân tộc Việt Nam

VHO - Từ ngày 17- 19.11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu VHTTDL các dân tộc Việt Nam lần thứ II, với sự tham gia của đồng bào các dân tộc đến từ 7 tỉnh, thành phố có nghi thức dựng cây nêu gồm Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đà Nẵng.

Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu VHTTDL các dân tộc Việt Nam lần thứ II diễn ra từ ngày 17- 19.11. Ảnh: Thành Khiêm

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cây nêu trong thời kỳ hội nhập và phát triển" Ngày hội được Bộ VHTTDL tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch. 

Là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp vùng, miền, dân tộc. 

Qua đó, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao giữa các vùng, miền, địa phương; giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ thể hiện ước vọng về đời sống tâm linh, về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Điểm nhấn của Ngày hội là Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam; Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023” diễn ra vào 20h00 ngày 17.11 tại Sân lễ hội khu các làng dân tộc III, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Trong khuôn khổ Ngày hội, người dân và du khách sẽ được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc như Liên hoan Văn nghệ quần chúng; Trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương gắn với cây nêu. Cùng với đó là Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của các địa phương tham dự Ngày hội; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; Triển lãm đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam...

Bộ VHTTDL yêu cầu nội dung các hoạt động đặc sắc, hình thức phong phú, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại. Các lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa phải mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc tại địa phương, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.

Bên cạnh đó, các hoạt động tại Ngày hội cần được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc. Chú trọng công tác truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau Ngày hội nhằm quảng bá rộng rãi đến với người dân, du khách.

NGUYỄN NAM

Ý kiến bạn đọc