Lên Bắc Hà vui hội kéo co

VHO - Kéo co là trò chơi dân gian xuất hiện trong hầu hết lễ hội truyền thống khắp các tỉnh thành của nước ta. Nhưng đối với đồng bào người Tày tại tỉnh Lào Cai, kéo co không chỉ là hoạt động vui chơi thể thao thông thường mà còn là nghi lễ mang đậm giá trị lịch sử, ẩn chứa những ý nghĩa tinh thần to lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.

Lên Bắc Hà vui hội kéo co - Anh 1

 Các cuc kéo co luôn nhn đưc s c vũ nhit tình

Nghi lễ kéo co từ lâu đã gắn bó mật thiết, trở thành hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của bà con đồng bào dân tộc Tày tỉnh Lào Cai. Đặt trong không gian lễ hội, nó trở thành yếu tố kết tinh bởi những quan niệm, mong ước cộng đồng, những giá trị sinh hoạt văn hóa dân tộc. Ở từng địa phương của tỉnh Lào Cai, hình thức thực hành nghi lễ kéo co có sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên, môi trường hình thành và phát triển kéo co đều có điểm chung đó là gắn bó mật thiết với tín ngưỡng dân gian và các lễ hội truyền thống của dân tộc - tín ngưỡng nông nghiệp, phồn thực và lễ hội Lồng tồng (xuống đồng). Hoạt động sản xuất lương thực chính của người Tày là trồng lúa nước, bởi vậy mọi sinh hoạt hay thực hành lễ hội đều mang màu sắc nông nghiệp, sự hài hòa giữa âm - dương.

Dây kéo, theo quan điểm của người Tày chính là rồng. Kéo dây mây, tức kéo mây kéo mưa, kéo rồng phun mưa xuống trần gian, tưới tiêu cho các cánh đồng, ruộng lúa. Khi kéo không được cầm vào phần cuối sợi dây bởi đó là miệng rồng. Bịt miệng lại, rồng sẽ không thể phun mưa xuống, gây hạn hán, mất mùa. Chọn dây kéo là một công việc vô cùng quan trọng, gắn liền với những kiêng kỵ nhất định, nếu dây kéo bị đứt thì cả làng năm đó sẽ thất thu, không gặp may mắn. Khác với phần đa nghi lễ truyền thống dưới xuôi - nơi những người đàn ông đảm nhiệm toàn bộ khâu chuẩn bị, tổ chức, việc chọn dây kéo của đồng bào ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà được giao cho vợ chồng trưởng bản. Khi vào rừng chọn dây, cả hai phải mặc trang phục truyền thống, người vợ đứng về phía ngọn dây, chồng quỳ gối dưới gốc, cùng khấn xin thần rừng, thần núi cho phép lấy dây về làm lễ. Chồng chặt phần gốc dây, vợ chặt ngọn, cùng nhau cuộn và khiêng về.

Số lượng người tham gia kéo co trước đây là 10 nam và 10 nữ, nhưng hiện nay do số lượng người tham gia đông, nên có thể tăng lên 15 - 20 người mỗi đội. Nét riêng trò chơi kéo co của người Tày ở Bảo Nhai đó là mỗi đội kéo (đội nam riêng, đội nữ riêng). Khi kéo, thầy cúng luôn thỏa thuận ngầm bên khỏe hơn thường nhường cho bên yếu hơn giành chiến thắng. Trong các dịp lễ, mỗi thôn đều thành lập một đội kéo co để tranh tài. Phần thưởng tuy không cao, nhưng ai ai cũng hào hứng tham gia, bởi giá trị tinh thần lớn hơn cả. Ngoài những ý nghĩa về mặt tâm linh mang tính lễ, hoạt động kéo co còn có phần hội, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của đồng bào.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, hiện trên địa bàn có 10 cá nhân đại diện cho cộng đồng dân tộc Tày ký cam kết bảo vệ và phát huy di sản. Không chỉ có những cá nhân đơn lẻ, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, cộng đồng bà con dân tộc Tày tỉnh Lào Cai đang dần góp sức, tích cực tham gia vào công cuộc giữ gìn, quảng bá, lan tỏa những nét đẹp của nghi lễ và trò chơi kéo co rộng rãi, lâu bền. Việc tổ chức “Nghi lễ và trò chơi kéo co” của người Tày ở Lào Cai cũng chính là thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” ở địa phương. 

HOÀNG LINH

Ý kiến bạn đọc