Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Pháp
VHO - Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30.9 đến ngày 7.10.
Việt Nam và Mông Cổ là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17,11.1954, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tháng 7.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Mông Cổ, mở đầu cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Việt Nam và Mông Cổ luôn phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng. Mối quan hệ ấy ngày càng được củng cố, phát triển thông qua các chuyến thăm và làm việc thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước. Những chuyến thăm này đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Mông Cổ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển với Mông Cổ và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Mông Cổ.
Quan hệ Việt Nam và Ireland ngày càng được củng cố, tăng cường. Ngày 10.9 vừa qua, tại thủ đô Dublin, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh kiêm nhiệm Ireland Đỗ Minh Hùng đã trình Thư Ủy nhiệm của Chủ tịch nước Tô Lâm lên Tổng thống Ireland Micheal D.Higgins.
Tổng thống Higgins gửi lời chúc mừng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với cương vị và trọng trách mới, bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam - Ireland sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, thương mại, chống biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân... Tổng thống đánh giá hai nước còn nhiều tiềm năng củng cố và phát triển hợp tác trong cả quan hệ song phương và trên các diễn đàn quốc tế. Ông cũng đánh giá cao vai trò, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như sự gắn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong nhiều vấn đề quan trọng.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4.1973. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Pháp đi đầu trong việc khai thông quan hệ và xóa nợ, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ là thành viên Câu lạc bộ Paris.
Trong bối cảnh công cuộc đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu và Việt Nam tăng cường hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterand vào tháng 3.1993 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về phía Việt Nam, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại Chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì (phiên họp thứ 7 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 1.2022); Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng (phiên họp lần thứ nhất tổ chức tại Paris vào tháng 7.2019).
Hiện nay, Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.