Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

VHO-Tối 7.4, tại sân khấu Quảng trường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - năm 2022 với chủ đề “Hồn Việt phương Nam”. Chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp UBND TP Cần Thơ cùng các tỉnh, thành Nam Bộ tổ chức.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 1

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ khai mạc

Tham dự Lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cùng lãnh đạo UBND các tỉnh, TP; lãnh đạo các Sở, ngành; các đoàn nghệ thuật. Đặc biệt là sự tham dự của đại diện Tổng Lãnh sự quán các nước, các soạn giả, nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca, nghệ nhân làm bánh đến từ 21 tỉnh, TP khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Nam Bộ. 

Cơ hội quý để quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên địa phương

Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Di sản văn hóa vừa là thành tố, vừa là phương tiện biểu đạt các giá trị văn hóa, trí tuệ sâu sắc bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn của con người Việt Nam. Cũng chính vì lẽ đó, mà các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp để tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc. Những thành quả của văn hóa và nghệ thuật sáng tạo ấy luôn luôn được giữ gìn, trao truyền và để lại một kho tàng văn hóa đồ sộ. Trong kho tàng di sản đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã vinh dự được Tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc

Theo Bộ trưởng, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình sinh hoạt văn hóa, gắn với cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm và phù hợp với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở của người dân Nam Bộ. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ đã chung sức, chung lòng để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử theo hướng thích ứng với thời đại, sẵn sàng đổi mới để phát triển nhưng luôn giữ gìn bản sắc vốn có của một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng này. 

“Để nghệ thuật Đờn ca tài tử tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy của văn minh nhân loại, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, tiếp nối thành công Liên hoan Đờn ca tài tử lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu năm 2014 ngay sau khi di sản này được UNESCO ghi danh, và Liên hoan lần thứ 2 được tổ chức tại tỉnh Bình Dương năm 2017, năm nay, trong bối cảnh đất nước ta bước vào trạng thái bình thường mới, các hoạt động của văn hóa, lễ hội, du lịch đã được mở cửa trở lại sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với TP Cần Thơ để tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - năm 2022 với chủ đề “Hồn Việt phương Nam”, đây là minh chứng sống động nhất để khẳng định với cộng đồng quốc tế về việc cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, và đây cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, quảng bá với đất nước, con người phương Nam với bạn bè, du khách quốc tế, là cơ hội xúc tiến đầu tư tương mại và du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Nam Bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh. 

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 4

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại Lễ khai mạc

Để nghệ thuật Đờn ca tài tử được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại, cùng với niềm vinh dự đó, trách nhiệm phải bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của di sản,  Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL trân trọng đề nghị 21 tỉnh, thành phố trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nâng cao chất lượng phát triển phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, làm tốt công tác tuyên tuyền, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử trên các phương tiện truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu để có những chính sách của địa phương để hỗ trợ cho các nghệ nhân, những hạt nhân của nghệ thuật Đờn ca tài tử để các nghệ nhân yên tâm phát uy hơn nữa niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc, truyền lửa cho thế hệ tương lai, để cho tiếng đàn lên cao lay động mãi mãi đến muôn đời sau".

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 5

Trước đó, sáng cùng ngày diễn ra Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022 là một trong những sự kiện được tổ chức nhằm khơi dậy niềm đam mê và mang lại niềm tin cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được hình thành và phát triển trong quá trình khẩn hoang, lập nghiệp của người dân vùng đất phương Nam, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn đa dạng các loại hình nghệ thuật Việt Nam trong kho tàng văn hóa nghệ thuật thế giới.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 6

Cùng với nghệ thuật Đờn ca tài tử, thì bánh dân gian Nam Bộ cũng là loại hình văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam, được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, giao thoa giữa các cộng đồng người. Từ bao đời nay, người dân Nam Bộ đã tận dụng sáng tạo từ hạt gạo, hạt nếp và những sản vật thiên nhiên ban tặng, để chế biến thành nhiều loại bánh dân gian hấp dẫn, qua đó góp phần làm phong phú thêm các loại hình văn hóa ẩm thực của dân tộc.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Liên hoan Đờn ca tài tử và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022 không chỉ là sự kiện thiết thực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; tôn vinh, quảng bá ẩm thực Việt Nam nói chung, bánh dân gian Nam Bộ nói riêng, đây còn là cơ hội rất quý để tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo đến với bạn bè, du khách gần xa. 

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 7

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc

“Liên hoan và Lễ hội là dịp để tăng cường sự liên kết vùng trong hợp tác phát triển du lịch, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong khu vực Nam Bộ. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại. Cùng với Liên hoan và Lễ hội này, chúng ta kỳ vọng rằng chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành VHTTDL tăng tốc, bứt phá, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, ông Trần Việt Trường bày tỏ.

Khẳng định sức sống bền bỉ của một di sản nghệ thuật

Nội dung trọng tâm của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật “Hồn Việt phương Nam” được diễn tiến theo ba chương với nội dung riêng biệt, nhằm khắc họa điểm nhấn, nét đặc trưng của nghệ thuật Đờn ca tài tử và bánh dân gian Nam bộ, những sinh hoạt văn hóa dân gian đã gắn chặt với đồng bào miền Nam hàng trăm năm qua, cho đến nay luôn được giữ gìn và phát triển. 

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 8

Chương trình nghệ thuật do soạn giả Nhâm Hùng viết kịch bản và tổng đạo diễn. Qua đây, người xem được đắm mình trong không gian Đờn ca tài tử bình dị, ngọt ngào và cũng vô cùng hào sảng, bộc trực như tính cách của con người Nam Bộ. Những câu hò, điệu lý, thể điệu, bài bản trong Đờn ca tài tử và nghệ thuật vọng cổ do các nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca trình diễn đã làm nức lòng công chúng mộ điệu và một lần nữa khẳng định sức sống, giá trị của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh gần thập kỷ qua.

Một trong những tiết mục đặc sắc như hòa ca 3 lớp Tây Thi (tác giả Dương Thanh Tùng) qua phần biểu diễn của các NNND Thanh Tuyết, NNƯT Minh Đức, NNƯT Kim Khéo, NNƯT Ái Hằng, NNƯT Thanh Tùng, nhiều nghệ nhân trẻ và Ban đờn các tỉnh, thành của Cần Thơ, TP.HCM, Long An, Hậu Giang. Bên cạnh đó là tiết mục Tiếng đờn ca mùa nước nổi, theo thể điệu Tứ đại oán;  tiết mục Tiếng đờn ca trên chợ nổi với vọng cổ Tình anh bán chiếu (tác giả: NSND Viễn Châu, biểu diễn: NSƯT Trọng Phúc), và hòa ca điệu Ngũ đối hạ (20 câu); Điệu Ái tử kê - Bát man tấn cống… Bên cạnh đó, các hoạt cảnh, tiểu phẩm tái hiện đời sống người dân Nam Bộ, nói lên sự phong phú của kho tàng bánh dân gian qua những tiết mục trình diễn dân gian vô cùng đặc sắc…

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 9

Lễ khai mạc thu hút đông đảo khán giả

Sân khấu Quảng trường Bình Thủy dù đến tối mới diễn ra lễ khai mạc, nhưng từ chiều, đông đảo người dân đã nô nức đến chờ. Trong đó, có nhiều gia đình dù nhà cách hàng chục cây số vẫn tìm đến để được thưởng thức. Nhiều khán giả chia sẻ do Quảng trường khá đông nên họ gửi xe rồi đứng cách xa để nghe hát, mặc dù có khi không nhìn rõ được mặt nghệ sĩ, nghệ nhân trình diễn trên sân khấu nhưng họ cũng cảm nhận sự gần gũi, thân quen hơn khi xem trực tiếp qua màn ảnh sóng truyền hình. Cùng với việc đến để cảm nhận không gian Đờn ca tài tử và nhiều hoạt động tại Liên hoan, đông đảo người dân cũng đã trải nghiệm gần trăm loại bánh ngon tại Lễ hội bánh dân gian, trưng bày liền kề với khu vực Đờn ca tài tử… 

Trong 6 ngày diễn ra Liên hoan và Lễ hội (từ 6-11.4), công chúng sẽ được trải nghiệm và thưởng thức nhiều hoạt động như Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; không gian Đờn ca tài tử; tham quan Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” và cùng được thưởng thức nhiều loại bánh dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

THUỲ TRANG – HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc