Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều hoạt động quan trọng tại Romania
VHO - Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hungary, chiều 20.1 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Bucharest, bắt đầu thăm chính thức Romania theo lời mời của Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Viện nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania
Trong chương trình thăm chính thức Romania, sáng 21.1 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại Viện nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania.
Bày tỏ vinh dự và chào mừng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - cựu du học sinh và cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Romania, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania (ICI) Adrian Victor Vevera cho biết, ICI là Viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu và có bề dày lịch sử hơn 50 năm về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Romania.
ICI có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; đã đóng góp động lực cho sự tiến bộ, phát triển của Romania. Các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của ICI không chỉ mang lại những giải pháp tiên tiến mà còn đóng góp vào việc tối ưu hóa các nguồn lực và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Viện là cơ quan thiết lập mạng internet ở Romania, trung tâm dữ liệu, xây dựng dự án điện toán đám mây cho các cơ sở của Nhà nước, xây dựng siêu máy tính, thành lập trung tâm ngoại giao trên không gian mạng, tiên phong trong phát triển công nghệ chuỗi khối (block chain), thành lập trung tâm phục hồi dữ liệu di động; xây dựng sàn giao dịch ảo… Viện ICI hướng đến tương lai với sự tự tin, sẵn sàng cùng với Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực này.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ Việt Nam - Romania đã trải qua gần 75 năm, có những lúc thăng trầm và nhiều đột phá. Năm 1957, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Romania, hàng trăm nghìn người dân Romania đã nồng nhiệt chào đón. Romania dành tình cảm đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc lấy tên Người đặt cho một con đường.
Khi Việt Nam giành độc lập, hàng trăm nghìn người Romania đã xuống đường mừng chiến thắng cùng Việt Nam. Trong quá trình xây dựng đất nước sau này, Romania tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong lúc Việt Nam còn khó khăn. Romania đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ trong suốt thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh. Nhiều người trong đó đã trưởng thành, trở thành những nhà khoa học, quản lý cấp cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng…
Năm 2019, với vai trò là Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Romania đóng vai trò quan trọng giúp EU và Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA); Romania là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Điều này góp phần đưa thương mại song phương Việt Nam – EU và kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 735 tỷ USD, gần gấp 2 lần GDP của đất nước. Năm 2023, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt hơn 700 tỉ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania và Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia Việt Nam
Thủ tướng đề nghị, tiếp nối thành tựu hợp tác suốt gần 75 năm qua, thời gian tới Việt Nam và Romania cần tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và khoa học công nghệ.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực chuyển đổi số và đánh giá cao tầm nhìn xa của Romania về công nghệ thông tin, Thủ tướng đề nghị Viện ICI coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế, trước mắt hai bên cử các đoàn công tác tới để tìm hiểu, cùng xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác; Viện ICI giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội nghị WEF Davos 2024 có chủ đề "Tái thiết lòng tin" cho thấy lòng tin là yếu tố hết sức quan trọng, trong khi Việt Nam và Romania đã có sẵn lòng tin. Trở ngại lớn nhất giữa hai đất nước là về khoảng cách địa lý, song lĩnh vực hợp tác về khoa học, công nghệ thông tin khắc phục được hạn chế này.
Thủ tướng khích lệ các chuyên gia Việt Nam và Romania cùng nhau nghiên cứu và phát triển các dự án hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
"Thời gian có giới hạn, song hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… là không có giới hạn", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng tin tưởng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tin học và công nghệ thông tin sẽ tạo ra những cơ hội mới và góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước; sự kết hợp các ý tưởng và nghiên cứu sẽ làm tăng sức mạnh và tầm nhìn, tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng cho cả Việt Nam và Romania.
Ngay tại buổi làm việc, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam đã gợi mở, đề xuất các lĩnh vực hợp tác với ICI. Trong đó, Bộ Công an đã kết nối và ngay sau đó sẽ làm việc với ICI để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.
Cũng tại cuộc làm việc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania và Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đã trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt tại Romania, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
*Trước đó, chiều ngày 20.1, tại thủ đô Bucharest, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt tại Romania.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết trân trọng chuyển lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới cộng đồng người Việt Nam tại Romania nói riêng và tại châu Âu nói chung.
Thủ tướng cho biết, Romania là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1950. Người dân Romania đã dành tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Romania năm 1957.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Romania trong gần 75 năm qua không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp và phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Romania đã dành tình cảm, sự hỗ trợ quý báu cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay.
Thủ tướng: Giải quyết công việc của bà con kiều bào “như của người thân ruột thịt”- Ảnh 7.
Gần đây nhất, Romania là nước thành viên EU đầu tiên đã có nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ 300 nghìn liều vaccine và trang thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 cho Việt Nam vào thời điểm tiếp cận vaccine rất khó khăn, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua đại dịch Covid-19 và mở cửa, phục hồi, phát triển kinh tế.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khuyến khích và tạo điều kiện để bà con đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được cụ thể hóa vào các luật, trong đó có Luật Căn cước, Luật Nhà ở (sửa đổi). Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có những quy định đột phá về đất đai, nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm tới việc tạo điều kiện cho bà con ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, dạy và học tiếng Việt Nam. Các kiến nghị khác của bà con tiếp tục được các cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết.
Thông báo những nét lớn về tình hình kinh tế - xã hội, đối ngoại và hội nhập của đất nước, Thủ tướng khẳng định và cảm ơn những đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào những thành tựu chung của đất nước, riêng kiều hối năm 2023 khoảng 14 tỉ USD.
Thủ tướng cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham quan tòa nhà Quốc hội của Romania
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan liên quan tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người Việt Nam sang Romania làm việc, lập nghiệp; rà soát, quản lý chặt chẽ hơn các công ty xuất khẩu lao động và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc về ngoại ngữ, trình độ, kỹ năng, hiểu biết luật pháp, ý thức, tác phong làm việc… Bộ Ngoại giao tiếp tục lắng nghe, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của kiều bào, báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Romania tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt của mình".
Nhắc lại một số kỷ niệm gắn bó sâu sắc trong thời gian học tập và làm việc tại Romania trước đây, Thủ tướng đề nghị bà con tiếp tục giữ gìn và phát huy hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam đối với Romania, cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống, tốt đẹp giữa hai nước, nhân dân hai nước.
Thủ tướng mong bà con tiếp tục đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh; nêu cao lòng tự hào dân tộc, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở sở tại; tiếp tục làm cầu nối ngày càng vững chắc trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Romania; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt. Đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về cội nguồn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới tham quan tòa nhà Quốc hội của Romania.
TÙNG QUANG; ảnh: NHẬT BẮC