Thủ tướng bắt đầu chuyến công tác dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai và thăm làm việc tại Saudi Arabia
VHO - Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), chiều 29.10, theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế King Khalid, Thủ đô Riyadh, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc tại Vương quốc Saudi Arabia theo lời mời của Hoàng Thái tử, Thủ tướng Vương quốc Saudi Arabia Mohammed Bin Salman.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ là khách mời chính và lãnh đạo cấp cao duy nhất của châu Á phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 do Saudi Arabia tổ chức.
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay King Khalid có quan chức Chính phủ, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia; Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Saudi Arabia.
Chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh hai nước sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đang phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất.
Hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đoàn các bộ, ngành. Gần đây nhất, vào tháng 10.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia.
Saudi Arabia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, với kim ngạch thương mại song phương 9 tháng năm 2024, đạt 2,21 tỉ USD. Tính đến tháng 9.2024, Saudi Arabia đứng thứ 79/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 8 dự án, tổng vốn đăng ký là 8,57 triệu. Hiện có khoảng 4.000 lao động Việt Nam tại Saudi Arabia trong nhiều lĩnh vực.
Chuyến thăm làm việc tại Saudi Arabia lần này được kỳ vọng tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng và trên hết tạo dựng vững chắc sự tin cậy chính trị để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và Saudi Arabia.
*Trước đó, sáng cùng ngày, tại Abu Dhabi, trong chương trình thăm chính thức UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Học viện Ngoại giao Anwar Gargash với chủ đề “Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-UAE: Tầm nhìn chung về hòa bình, phát triển và thịnh vượng”.
Trước sự có mặt của 200 sinh viên, giáo sư, quan chức Chính phủ UAE và đại diện ngoại giao đoàn tại Thủ đô Abu Dhabi, Thủ tướng đã dành thời gian chia sẻ về 3 nội dung chính: Về tình hình thế giới và khu vực hiện nay; Các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; Tầm nhìn về quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-UAE và quan hệ Việt Nam-Trung Đông thời gian tới.
Chia sẻ với các đại biểu về các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh đất nước và xu thế, tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam nhất quán tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng chủ yếu: Xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Việt Nam nhất quán quan điểm xuyên suốt: Giữ vững ổn định chính trị-xã hội; lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trên cơ sở đó, Việt Nam thực hiện 6 chính sách trọng tâm về đối ngoại, hội nhập; bảo đảm quốc phòng-an ninh; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thủ tướng chia sẻ về 5 bài học kinh nghiệm của Việt Nam: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam, có thể đúc kết, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ thông điệp đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việt Nam lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm mục tiêu tổng quát, là động lực phấn đấu. Xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.