Quốc hội thảo luận tại Hội trường:
Nhận diện, tháo gỡ điểm những nghẽn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
VHO - Thảo luận tại Hội trường sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư tại phiên khai mạc, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông nguồn lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Sáng 4.11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp, đại biểu bày tỏ ấn tượng sâu sắc với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của đồng chí Tổng Bí thư. “Chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua lối mòn tư duy mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước”, đại biểu nêu quan điểm.
Về đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, đây là định hướng đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó cần thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh cho phù hợp.
Về nhận diện những điểm nghẽn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy, đủ những điểm nghẽn và nếu như thuộc chức năng của Quốc hội thì Quốc hội sẵn sàng xử lý kịp thời nhưng đồng thời cần nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện.
Liên quan đến yêu cầu “đúng vai thuộc bài”, đại biểu hoàn toàn tán thành quan điểm của Tổng Bí thư và cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn, “đúng vai” nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng cũng không bỏ qua, cần thực hiện đúng trách nhiệm mà Hiến pháp đã quy định, làm trọn bổn phận mà Đảng đã trao và Nhân dân gửi gắm. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy.
Nhất trí cao với Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, đại biểu Đào Hồng Vận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khẳng định, với sự chỉ đạo, định hướng sáng suốt, đúng đắn của Trung ương Đảng, sự điều hành quyết liệt, sát thực tiễn của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội và các cấp, các ngành, kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại, an ninh - quốc phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu KT-XH cơ bản hoàn thành, đời sống Nhân dân được đảm bảo nâng cao và được bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, qua Báo cáo của Chính phủ, đại biểu cho rằng, chúng ta chưa tận dụng, phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình, nhiều lĩnh vực chưa đạt mục tiêu đề ra, có những vấn đề tồn tại nhiều năm mà vẫn chưa được khắc phục. Nhiều việc còn đi chậm so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân của những tồn tại trên được Chính phủ thẳng thắn chỉ ra và có giải pháp khắc phục, đại biểu Đào Hồng Vận đồng tình cao với các giải pháp Chính phủ đề ra. Đồng thời đại biểu đề nghị tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm gắn liền với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm đạo đức công vụ.
Cùng với đó, đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất đột phá, dẫn dắt, lan tỏa như chúng ta đang triển khai (như sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao…); Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển công nghệ cao nhằm tăng năng sức lao động; tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại để giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và thu hút được các nguồn lực để phát triển xã hội; cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như chỉ đạo của Tổng Bí thư…
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng trong năm qua, mặc dù tình hình thế giới có nhiều thách thức, rủi ro, khó lường, nhưng kinh tế- xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ...
Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng được quan tâm và phát triển. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, hiệu quả…
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những kết quả đạt được chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của đất nước và chưa đáp ứng được mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Đại biểu phản ánh, hiện còn nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; nhiều dự án nhà ở bỏ dở, công trình xây dựng kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành là những ví dụ về lãng phí. Vấn đề lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội vẫn là một thách thức lớn cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm và có giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm lực của đất nước.
Theo đại biểu, ngay trong Kỳ họp lần này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án Luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…. thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay ví dụ như: Các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… để đề xuất tháo gỡ.
Qua đó, có thể ban hành các cơ chế đặt thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước như bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu: “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới".
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong Phiên thảo luận có 38 đại biểu Quốc hội phát biểu và cũng có nhiều đại biểu phát biểu liên quan đến một số nhóm vấn đề. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ NN&PTNT sẽ phát biểu vào chiều 4.11 trong thời gian 10 phút để trao đổi các vấn đề mà đại biểu quan tâm. Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc vào lúc 14h.
Tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đóng góp thêm một số vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương.
Đối với vướng mắc về thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích. Hiện nay đang có 3 nội dung khác nhau về quy định tại hai Nghị định 166/2018/NĐ-CP và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về: thẩm quyền thẩm định, cơ quan đóng dấu thẩm định, đơn vị trình phê duyệt dự án, từ đó dẫn tới có những cách hiểu và thực hiện khác nhau, kéo theo tranh luận trái chiều nhau không dứt, giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ở các địa phương...
Theo điểm a, b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP có quy định, thẩm quyền thẩm định các dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích là của Bộ trưởng Bộ VHTTDL hoặc Giám đốc Sở VHTTDLch tuỳ theo di tích các cấp; và không quy định về đóng dấu thẩm định, còn đơn vị trình phê duyệt dự án là chủ đầu tư.
Còn theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP năm 2021 lại có quy định: “Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh”; Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc người quyết định đầu tư có trách nhiệm đóng dấu thẩm định; còn Đơn vị trình phê duyệt dự án là cơ quan chủ trì thẩm định.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bá Mạc, thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích thì giống nhau, đều là người quyết định đầu tư. Do vậy, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cân nhắc, sửa đổi, thống nhất nội dung quy định thực hiện như đề cập nêu trên, đảm bảo sự thống nhất, rõ ràng trong triển khai thực hiện, tránh sự đùn đẩy, tranh luận trái chiều nhau không dứt trong quá trình thực hiện.