Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021): Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Giám đốc Nhà hát Opéra Paris

VHO- Ngày 31.5.1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm chính thức nước CH Pháp. Đây là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia của Người.

Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021): Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Giám đốc Nhà hát Opéra Paris - Anh 1

 Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Giám đốc Nhà hát Opéra Paris đến nay đã tròn 75 tuổi

 

 Tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hà Nội là các ông Đỗ Đình Thiện và Vũ Đình Huỳnh; sang Pháp có thêm hai kiều bào là bác sĩ Lê Văn Cưu và đại úy Phạm Ngọc Xuân, sĩ quan Hải quân của Pháp. Tất cả đoàn có 5 thành viên. Cùng lúc, cũng có một phái đoàn khác gồm 20 thành viên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu, sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau bàn về vấn đề quan hệ hai nước Việt - Pháp trên cơ sở Hiệp định Sơ bộ 6.3 và Hội nghị trù bị tại Đà Lạt, tháng 4.1946.

Chiều ngày 22.6.1946, phái đoàn tới Paris. Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget được tổ chức theo hình thức đón nguyên thủ quốc gia với màn chào cờ và duyệt đội quân danh dự của Pháp.

Từ ngày 2 - 4.7.1946, chương trình đón tiếp chính thức phái đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chính phủ Pháp đã diễn ra theo các nghi thức truyền thống dành cho các nguyên thủ quốc gia. Cùng với hoạt động tiếp đón, hội đàm, dự chiêu đãi với Thủ tướng G. Bidaut, các cuộc làm việc với một số Bộ trưởng thành viên chính phủ Pháp, với Tòa Thị chính Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có hàng loạt các hoạt động thăm viếng các địa danh tôn vinh, tưởng niệm những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của nước Pháp, thăm các di tích lịch sử văn hóa ở Paris, Versaille… Đặc biệt, theo chương trình chính thức, tối 3.7.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên trong phái đoàn tới xem buổi biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Opéra - nhà hát lớn nhất, nổi tiếng nhất nước Pháp. Lễ đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây được tổ chức rất trang trọng. Tại sảnh Nhà hát, dưới ánh điện sáng trưng, quốc kỳ hai nước Việt - Pháp phấp phới bay đan quyện vào nhau. Từ ngoài cửa, đội danh dự đội mũ đồng, đeo gươm bạc, sắp thành hàng dài hai bên đón chào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi xem cùng Thủ tướng G. Bidaut và phu nhân, Bộ trưởng M. Moutet và một số các vị bộ trưởng khác tại phòng danh dự. Khán phòng nhà hát đều kín tất cả các ghế ngồi. Đêm biểu diễn này, Chính phủ Pháp đã tặng riêng cho cộng đồng kiều bào ta 100 vé. Nhiều người trong số họ dù đã ở Pháp nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên được vào Nhà hát nổi tiếng này để thưởng thức nghệ thuật.

Chương trình biểu diễn có ba màn múa đặc sắc. Ghi lại cảm nhận sau khi xem, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trông vào họ, người ta có cảm tưởng như trông những đóa hoa hoặc những con chim. Tuy chỉ múa chứ không hát nhưng theo nhịp âm nhạc cũng đủ tỏ tính tình mừng hay giận, buồn hay vui, yêu hay ghét”. Khi xem tiết mục do các diễn viên “nhí” thể hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi lại trong nhật ký: “Nghề múa phải học từ khi còn bé, có khi 4, 5 tuổi đã bắt đầu học. Người ta gọi các em bé đó là chuột. Các em chuột hôm nay múa khéo quá. Người xem khắp rạp vỗ tay không ngớt”.

Ngày 5.7.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và gửi tới Giám đốc Nhà hát Opéra Paris một lá thư, toàn văn như sau:

Kính gửi Ngài Giám đốc!

Xin cảm ơn Ngài vì sự chào đón nồng nhiệt mà Ngài đã dành cho tôi.

Tôi mong Ngài chuyển lời khen của tôi tới các vũ công trong đoàn ba lê của Nhà hát Opéra Paris. Tôi vô cùng ấn tượng với động tác biểu diễn giống như những nốt nhạc thuần khiết của họ.

Tôi rất yêu những đứa trẻ. Cho phép tôi được gửi cái hôn của người ông đến những chú chuột bé nhỏ rất dễ thương và đầy tài năng.

Xin gửi tới Ngài Giám đốc lời chào trân trọng của tôi.

Hồ Chí Minh

Bức thư đặc biệt này đến nay đã tròn 75 tuổi (1946- 2021), hiện được bảo quản cẩn trọng trong hệ thống quản lý của Thư viện quốc gia Pháp (BnF) nên nếu muốn đọc, chúng ta chỉ có thể xem trên bản micro phim lưu tại thư viện của Nhà hát Opéra Paris, có lẽ vì thế mà Việt Nam chúng ta rất ít người biết đến. 

 

 NGUYỄN KHÁNH ANH

Ý kiến bạn đọc