Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: Nhất trí trình Quốc hội thông qua

VHO- Chiều qua 30.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Soạn thảo Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: Nhất trí trình Quốc hội thông qua - Anh 1

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 18 Ảnh: THẾ CÔNG

Theo đó dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều.

Tán thành sự cần thiết

Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Theo đó Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với những lý do như được nêu tại Tờ trình số 485/TTr-UBTVQH15. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5. Trong dự thảo Nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ như Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND.

Sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm hoặc nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Là cơ hội để mỗi cá nhân xem xét tự soi, tự sửa

Đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong phiên họp Tổ vào chiều qua 30.5, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho biết, đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thành dự thảo nghị quyết.

Theo đại biểu Mẫn, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 tại Điều 2 đã quy định chi tiết các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy định một số trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên còn một số chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn như thẩm phán TAND tối cao, thành viên Hội đồng QPAN; các chức danh do HĐND bầu, phê chuẩn như phó trưởng ban của HĐND, Hội thẩm TAND cấp tỉnh, cấp huyện không nằm trong diện được lấy phiếu tín nhiệm. “Tôi cho rằng việc bầu hoặc phê chuẩn một chức danh nhất định là giao cho cá nhân người đó quyền, trách nhiệm cụ thể. Mà lấy phiếu tín nhiệm là kênh quan trọng để Quốc hội, HĐND xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của mỗi cá nhân. Đây cũng là cơ hội để mỗi cá nhân xem xét, tự soi, tự sửa. Và nếu như chúng ta không đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm những đối tượng này thì chúng ta dựa vào cơ sở cụ thể nào để đánh giá mức độ tín nhiệm? Hay dựa vào kết quả đánh giá, xếp loại cuối năm? Vì thế về nội dung này, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân tích, làm rõ thêm”.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) lại cho rằng, ngoài căn cứ phẩm chất đạo đức, lối sống thì cần đưa thêm tiêu chuẩn là kết quả của việc thực hiện lời hứa với các cử tri và phải đưa ra tiêu chí của mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là như thế nào. Tránh tình trạng khi lấy phiếu tín nhiệm, hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan của người bỏ phiếu. Góp ý trong phiên thảo luận Tổ, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) thống nhất bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người chữa bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của cơ sở y tế, không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên. Bà Tuyết cũng cho rằng, quy định về hệ quả với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo là phù hợp. Điều này phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ có mức tín nhiệm thấp theo Quy định số 96-QĐ/TW. Với cán bộ có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm để có cơ chế cho họ chủ động xin từ chức.

Hôm nay 31.5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc