Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai
VHO - Sáng ngày 29.9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Bộ, Ban ngành liên quan tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai - năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính; nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Cùng dự phiên họp có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, cùng 306 đại biểu là các em đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trước khi bắt đầu Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ và trẻ em bị thiệt mạng do bão, lũ gây ra vừa qua.
Tại Phiên chất vấn sáng này, các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định đã tham gia phát biểu các ý kiến, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với 2 vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.
Theo đó, phiên chất vấn đã có 268 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 138 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, 130 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. Đã có 15 đại biểu thực hiện quyền chất vấn (11 đại biểu chất vấn và 04 đại biểu tranh luận) với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ VHTTDL trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ TT&TT trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH trẻ em giả định, Bộ trưởng Y tế trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công Thương trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em giả định.
Sau phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu, trao đổi với đại biểu Quốc hội trẻ em về 2 chủ đề của phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh và đánh giá cao Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội; khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành công dân có trách nhiệm, vừa có đức vừa có tài, có ước mơ, hoài bão lập nghiệp trong tương lai và đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em, được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Cùng với các nguồn lực của Nhà nước, trong năm 2023 và 2024, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã vận động số tiền ước tính 123,5 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo thiếu nhi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chia sẻ nhiều trăn trở khi trẻ em ở một số nơi vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra. Tình trạng bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và các chất kích thích đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 đã lựa chọn 2 chủ đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” là rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ ấn tượng về sự thể hiện của các cháu hôm nay, dù nhỏ tuổi nhưng các cháu đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp rất xác đáng; Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Những vấn đề các em nêu về thực trạng, giải pháp hết sức thiết thực, nhất là những việc cụ thể giao cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phải làm những gì trong thời gian tới.
Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu trẻ em đã nêu tại Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn, các bậc phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà của mình.
"Giáo dục trẻ em cho tốt là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội; sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, MTTQ cùng các đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, thật sự quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức trong trường học. "Tiên học lễ, hậu học văn. Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Ông cha ta từ xa xưa đã nói "thầy nào trò đó". Tôi mong các thầy giáo, cô giáo tạo điều kiện, tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, giúp các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Cộng đồng xã hội nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dành sự thương yêu và chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em, bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần xây dựng thế hệ tương lai đất nước phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày mai.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội mong đội ngũ thầy giáo, cô giáo, các em học sinh trong cả nước thực hiện thật tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong Thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025: mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng văn hóa học đường lành mạnh; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người, góp phần tích cực vào việc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho đất nước".
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp Đoàn, Đội tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề ở 26 tỉnh, thành phố miền Bắc. Hiện nay, có những cháu học sinh chưa thể đến trường; có những nơi trường lớp bị sụp đổ nên học sinh đang phải học tại các lán, trại, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Hiện nay, cả đất nước đang tập trung khắc phục thiệt hại, dành tình cảm cho các em, nỗ lực để các em đều được đến trường sau cơn bão số 3.
“Tôi mong tất cả các cháu thiếu nhi trên cả nước hãy luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.