Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ II
VHO - Ngày 28.9, Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II năm 2024 chính thức khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, với sự tham gia của 306 đại biểu là những đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ mọi miền Tổ quốc.
Dự phiên khai mạc có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương - Trưởng Ban Tổ chức phiên họp Nguyễn Phạm Duy Trang; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Phó Trưởng Ban Tổ chức phiên họp Nguyễn Thị Mai Thoa .
Về phía "Quốc hội trẻ em" có Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" Lê Gia Vinh; Phó Chủ tịch thường trực "Quốc hội trẻ em" Nguyễn Phan Quỳnh Như; các Phó Chủ tịch "Quốc hội trẻ em": Lê Hoàng Long, Nguyễn Quang Anh và Hà Phan Bách Hợp cùng 306 đại biểu là các em đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trình bày dự thảo chương trình Phiên họp, Tổng thư ký "Quốc hội trẻ em" Trần Minh Đăng thông báo: Phiên họp giả định lần thứ II của "Quốc hội trẻ em" năm 2024 diễn ra trong 1,5 ngày, bắt đầu từ sáng 28.9 và kết thúc vào sáng 29.9.2024. Lễ khai mạc diễn ra ngày 28.9. Chiều cùng ngày, "Quốc hội trẻ em" tiến hành thảo luận tại 12 tổ.
Sáng 29.9, các đại biểu trẻ sẽ tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào hai chủ đề quan trọng: "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường".
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" Lê Gia Vinh chia sẻ, Phiên họp Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024 diễn ra giữa không khí rộn ràng của mùa tựu trường, khi trẻ em trên cả nước háo hức chào đón năm học mới 2024-2025. Phiên họp này mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Phiên họp diễn ra trong 1,5 ngày, tập trung vào ba nhóm nội dung quan trọng như: Xem xét và thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện các chương trình "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường"; đồng thời đề ra phương hướng triển khai trong thời gian tới.
"Quốc hội trẻ em" sẽ lắng nghe báo cáo tổng hợp ý kiến và kiến nghị từ "cử tri trẻ em" và nhân dân gửi đến phiên họp thứ II của "Quốc hội trẻ em". Cùng với đó, "Quốc hội trẻ em" sẽ xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết những kiến nghị của "cử tri trẻ em" từ phiên họp thứ I.
Ngoài ra, "Quốc hội trẻ em" sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về hai vấn đề trọng tâm là "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường". Đồng thời, "Quốc hội trẻ em" cũng sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết liên quan đến hoạt động chất vấn tại phiên họp lần thứ II năm 2024.
Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" Lê Gia Vinh nhấn mạnh, trong thời gian ngắn, Quốc hội trẻ em sẽ xem xét nhiều nội dung với khối lượng công việc tương đối lớn. Để phiên họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ "Quốc hội trẻ em" đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cũng như sự mong đợi của "cử tri trẻ em" và nhân dân cả nước.