Các địa phương phải có giải pháp cho đoàn người về quê trong thời điểm mưa bão
VHO- Đánh giá cao Bộ Công an hỗ trợ người dân trong quá trình di chuyển, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, các Bộ, ngành để thông tin kịp thời cho người dân về diễn biến cơn bão, “để làm sao bà con đến vùng bão thì dừng lại, địa phương mời bà con về các nhà văn hóa, trường học và sau khi hết bão thì mới di chuyển”.
Sáng qua 10.10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai tổ chức họp về công tác phòng chống mưa bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng qua 10.10, bão số7 đãsuy yếu thành áp thấp nhiệt đới; bão Kompasu đang hoạt động ở phía Đông đảo Luzon (Philippines) di chuyển theo hướng Tây, tiếp tục mạnh thêm, chuẩn bị vào Biển Đông. “Mặc dù bão số 7 được đánh giá không mạnh nhưng các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để ứng phó. Trong đó, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho hơn 61.000 phương tiện, với gần 280.000 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa”, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tại bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, ông Khiêm lưu ý, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dự báo khoảng đêm 11 đến sáng ngày 12.10, cơn bão Kompasu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. “Đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh với cường độ mạnh hơn bão số 7 và di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 13 và ngày 14.10, và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn ngày 13 đến ngày 15.10. Các tính toán dự báo của chúng tôi cũng cho thấy, có khả năng ngày 16 và 17.10 sẽ xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông”, ông Khiêm nói.
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin, đến nay công an các tỉnh hiện đã huy động 3.000 chiến sĩ, 8.000 phương tiện dẫn đoàn, xe chở quân ứng trực trên 2.000 điểm xung yếu về giao thông để hỗ trợ người dân về quê. Khi bão vào, “chúng tôi đã yêu cầu công an các địa phương trên các chốt cho dừng toàn bộ hoạt động di chuyển của người dân, đặc biệt là người dân từ phía Nam ra”. Lực lượng công an đã chủ động, sử dụng các phương tiện, kể cả xe chở quân để đưa bà con vào các nhà văn hóa trú tránh tạm thời. Ông đề nghị sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để bố trí nơi trú tránh cho bà con cũng như sau khi bão tan thì bảo đảm cho bà con di chuyển an toàn.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, từ Trung ương đến địa phương đã rất quyết liệt, chủ động ứng phó với bão số 7, nên tính đến thời điểm này thiệt hại do bão số 7 được hạn chếở mức thấp nhất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 7, không được chủ quan, bởi bão số 7 suy yếu nhưng vẫn tiếp tục gây mưa lớn cho nhiều khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương phải sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8. Đối với bão số 8, Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tếhơn.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an hỗ trợ người dân trong quá trình di chuyển, Phó Thủ tướng cho rằng, phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, các bộ, ngành để thông tin kịp thời cho người dân về diễn biến cơn bão, “để làm sao bà con đến vùng bão thì dừng lại, địa phương mời bà con về các nhà văn hóa, trường học và sau khi hết bão thì mới di chuyển”. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng giao trách nhiệm cho các địa phương đưa ra giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn người về quê trong thời điểm mưa bão. “Nếu bão vào đúng tuyến đường người dân di chuyển thì việc không có chỗ trú bão rất nguy hiểm”.
Phó Thủ tướng cho biết, sẽ sớm có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương về lưu thông đường bộ, đường sắt liên tỉnh.
Ngày 10.10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 108/QGPCTT gửi Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc đảm bảo an toàn cho người lao động di chuyển qua khu vực đang diễn ra bão, lũ. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, diễn biến bão số 7 và tình hình thiên tai 10 ngày tới khả năng hình thành bão và áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lũ lớn gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, gây rủi ro rất cao trên tuyến quốc lộ 1, liên tỉnh, liên huyện khu vực miền Trung. Hiện nay, lực lượng lao động từ một số tỉnh phía Nam đang di chuyển trên tuyến đường bộ qua khu vực miền Trung có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và sức khỏe, nhất là phụ nữ và trẻ em trên phương tiện xe máy hoặc đi bộ. Để góp phần đảm bảo an toàn việc di chuyển lực lượng lao động qua vùng có thiên tai đang và sẽ xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo việc hỗ trợ cũng như thông tin tới các lực lượng lao động có nhu cầu di chuyển biết được diễn biến của bão lũ; có kếhoạch, phương án di chuyển đảm bảo an toàn. |
P.V