Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Việc tổ chức các sự kiện phải đổi mới, có quy mô và tạo sức lan toả
VHO-Chiều 13.3, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc về một số hoạt động trọng tâm của Bộ năm 2023. Cùng dự còn có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt; thủ trưởng các đơn vị: Tổng cục TDTT; Tổng cục Du lịch; Cục Văn hoá cơ sở; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Điện ảnh; Vụ Văn hoá Dân tộc; Vụ Hợp tác quốc tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá trong thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Bộ đã chuyển từ tư duy làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá. Việc đổi mới tư duy, thay đổi cách làm đã đạt được nhiều kết quả, khẳng định được vị thế của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên sự chuyển biến này chưa thật sự mạnh mẽ, nhất là ở các đơn vị được giao nhiệm vụ vừa quản lý nhà nước, vừa tổ chức một số hoạt động mang tính sự nghiệp.
Bộ trưởng chủ trì cuộp họp với các đơn vị vào chiều 13.3 tại Hà Nội
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức các hoạt động chính trong năm 2023, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ các hoạt động, từ tên gọi, thời gian, địa điểm… Việc tổ chức phải tránh tình trạng dàn trải, phải có quy mô và tạo sức lan toả. Bộ trưởng nhấn mạnh, từ năm 2023 trở đi, các cục, vụ, đơn vị được giao nhiệm vụ phải suy nghĩ, tính toán, thay đổi cách làm theo hướng đổi mới trên cơ sở kế thừa chứ không phải rập khuôn, máy móc. Việc tổ chức các hoạt động tránh tình trạng dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy mô, không tạo được dấu ấn, sức lan toả không cao. Thế giới luôn vận động không ngừng vì thế Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải vận động, đổi mới tư duy, thay đổi cách làm phù hợp với xu thế của thời đại.
Đánh giá rằng nhiều hoạt động trong thời gian qua, việc tổ chức còn chưa thực sự khoa học, kéo dài, quy mô còn nhỏ lẻ, đơn điệu nên chưa phát huy được tầm ảnh hưởng, sức lan toả của các sự kiện, chưa tạo được tiếng vang và chưa gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, Bộ trưởng gợi mở cách làm, khi tổ chức các sự kiện, các đơn vị cần hướng đến mục tiêu là giải quyết được 3 vấn đề cơ bản. Chẳng hạn việc tổ chức sự kiện văn hoá phải gắn được với việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị của văn hoá dân tộc. Và gắn với đó là tổ chức sân chơi cho đội ngũ văn nghệ sĩ để qua đó nâng cao kỹ năng, phát hiện được nhân tài; khi tổ chức sự kiện ở địa phương nào thì phải thúc đẩy môi trường văn hoá ở địa phương đó phát triển.
Những chỉ đạo của Bộ trưởng đã gợi mở cách làm cho các đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động
Khi tổ chức các hoạt động cũng phải hướng tới mục tiêu kích cầu, thúc đẩy sự phát triển của du lịch vì du lịch bắt đầu từ sản phẩm văn hoá. Bộ trưởng lưu ý, khi tổ chức các hoạt động, nhất là các sự kiện thuộc lĩnh vực văn hoá cơ sở, văn hoá dân tộc, phải góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể thao phong trào, sự phát triển của các môn thể thao dân tộc. Đặc biệt, việc tổ chức các hoạt động nên gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành...
Nêu ví dụ cụ thể, Bộ trưởng dẫn chứng như việc tổ chức Liên hoan Cải lương thì không chỉ đơn thuần là có Cải lương mà nên tính đến việc từ Liên hoan này sẽ thu hút được bao nhiêu du khách và làm cách nào để thu hút khách du lịch. Từ Liên hoan này phải đặt ra vấn đề giữ gìn, phát huy phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương như thế nào. Việc tổ chức các triển lãm mỹ thuật, các Liên hoan phim, Tuần phim… cũng phải tính toán đến việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch. “Cách làm phải đổi mới, đan xen các hoạt động, tạo được hiệu ứng mạnh, lúc đó chúng ta sẽ có sự đồng hành của các địa phương, Bộ, ngành, đơn vị, nguồn lực mới không bị phân tán”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị phải phối hợp với nhau để bàn cách phối hợp, liên kết tạo thành sức mạnh tổng hợp khi tổ chức sự kiện, góp phần xây dựng thương hiệu cho ngành VHTTDL…
THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN