Vượt qua “cửa hẹp”

VHO- Là môn thể thao trọng điểm và là một trong số những nội dung cơ bản của Olympic, Cử tạ Việt Nam đang hướng tới kỳ Đại hội thể thao lớn nhất châu lục với quyết tâm cao nhất. Ở kỳ Đại hội gần đây nhất, cử tạ Việt Nam đã mang về tới 2 tấm huy chương bạc (HCB) nhưng tới Đại hội này, mục tiêu đó lại không dễ để thực hiện được.

Vượt qua “cửa hẹp” - Anh 1

Các đô cử tích cực tập luyện Ảnh: VĂN DUY

 Tin vui vừa đến với cử tạ Việt Nam trước thềm Asian Games 19 khi đô cử Lại Gia Thành xuất sắc giành 3 huy chương vàng (HCV) và Sơn Đỉnh giành 3 HCB tại giải vô địch cử tạ thế giới, tổ chức tại Riyadh (Saudi Arabia), từ ngày 4-17.9. Dù cử tạ Việt Nam thống trị ở hạng cân 56 kg tại giải thế giới, nhưng điều đáng tiếc là hạng cân này không có trong chương trình thi đấu của Asian Games. Ở các kỳ Đại hội trước, hạng cân 56 kg vẫn nằm trong chương trình thi đấu nhưng tại Đại hội năm nay, do thi đấu theo các hạng cân của Olympic 2020 nên hạng cân nhỏ nhất là 61 kg. Tại Asian Games 18, cử tạ Việt Nam đã giành 1 HCB hạng 56 kg nam do công của Thạch Kim Tuấn và 1 HCB của Trịnh Văn Vinh, hạng 62 kg. Với kì Đại hội lần thứ 19, ban tổ chức chủ nhà đưa vào tranh tài các nội dung gồm 49 kg, 55 kg, 59 kg, 64 kg, 76 kg và 87 kg, trên 87 kg đối với nữ còn nam là các hạng cân 61 kg, 67 kg, 73 kg, 81 kg, 96 kg, 109 kg và trên 109 kg.

Vốn thế mạnh ở các hạng cân nhỏ, nên ở các hạng cân nam cử tạ Việt Nam sẽ tiếp tục đặt hy vọng vào hạng 61 kg với 2 VĐV tham gia tranh tài là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Trần Anh Tuấn. Theo ông Nguyễn Huy Hùng, phụ trách môn Cử tạ - Cục TDTT, gương mặt đáng ngại nhất của kỳ Đại hội này chính là VĐV của nước chủ nhà Li Fa Bin và VĐV người Indonesia Eko Yuli Yrawan. Sinh năm 1993, Li Fa Bin là nhà vô địch Olympic Tokyo 2020, 2 lần vô địch thế giới và 4 lần vô địch châu Á. Tại giải vô địch thế giới vừa qua, Li Fabin giành HCV với tổng cử 308 kg (cử giật 141 kg, cử đẩy 167 kg). Trong khi đó Eko Yuli Yrawan (Indonesia) là nhà á quân của Olympic 2008, 2012; vô địch thế giới năm 2018. Gần đây nhất, ở kỳ Asian Games 18, Eko đã giành ngôi vô địch.

Không những thế tại giải vô địch thế giới vừa qua, Trung Quốc cũng giới thiệu thêm tài năng nữa là Ding Hongjie. VĐV này giành HCĐ với tổng trọng 301 kg. Xếp vị trí thứ 5 là đô cử người Philippnes Ceniza John Fabuar với tổng trọng 296 kg; VĐV người Thái Lan Chomchuen Teerapat, đứng ở vị trí thứ 7 với tổng trọng 293 kg. Nhà á quân Asian Games 18 Trịnh Văn Vinh đứng ở vị trí thứ 8 với tổng trọng 292 kg; Nguyễn Trần Anh Tuấn đứng ở vị trí thứ 12 với tổng trọng 290 kg. Nếu so sánh thông số thành tích tại giải đấu lớn nhất, vừa diễn ra thì cửa giành huy chương cho Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Trần Anh Tuấn là khá hẹp. Vì thế đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của VĐV cũng như khả năng tính toán chiến thuật của ban huấn luyện sao cho có thể lách qua khe “cửa hẹp” để giành được thành tích tốt nhất.

Một niềm hy vọng nữa của cử tạ Việt Nam là hạng 59 kg của nữ, có VĐV Hoàng Thị Duyên và Quàng Thị Tâm thi đấu. Cái khó của 2 VĐV Việt Nam là hạng cân nhỏ cũng là thế mạnh của các VĐV châu Á nên tại giải vô địch thế giới vừa qua, HCV thuộc về đô cử người Trung Quốc Luo Shifang, với tổng trọng là 243 kg; HCĐ cũng thuộc về VĐV Trung Quốc Pei Xinyi, với tổng trọng 232 kg. Đứng thứ tư là VĐV Đài Loan (Trung Quốc) Kuo Hsing-Chun. Khu vực Đông Nam Á có 2 VĐV đứng ở vị trí thứ 7 và thứ 8, đều là người Philippines, Nhật Bản có VĐV đứng ở vị trí thứ 13. Đô cử Quàng Thị Tâm đứng ở vị trí thứ 28.

Giải vô địch thế giới là giải đấu cận kề Asian Games nên thông số thành tích của các VĐV tại giải sẽ là con số có giá trị để ban huấn luyện đội tuyển cử tạ tham chiếu trước khi đưa ra các đấu pháp phù hợp trong tập luyện và thi đấu của các VĐV. Dù khó khăn nhưng ông Nguyễn Huy Hùng vẫn khẳng định quyết tâm của các VĐV, thi đấu giành thành tích tốt nhất, hướng tới mục tiêu đoạt huy chương tại Đại hội. Đội tuyển cử tạ Việt Nam sẽ lên đường dự Asian Games vào ngày 27.9 và bắt đầu tham gia tranh tài từ ngày 29.9-7.10. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc