Thể thao học đường:

“Vườn ươm” còn bỏ ngỏ

VÂN SA

VHO - CLB bóng đá Đại học Văn Hiến là đại diện duy nhất của hệ thống giáo dục đại học, vừa chính thức giành quyền thăng hạng Nhất sau chiến thắng 1-0 trước CLB Đắk Lắk.

“Vườn ươm” còn bỏ ngỏ - ảnh 1
Nếu có chiến lược đúng và sự đầu tư bài bản, thể thao học đường sẽ là vườn ươm cho thể thao Việt Nam. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Kết quả này không chỉ là cú hích mang tính biểu tượng cho thể thao sinh viên mà còn là minh chứng thuyết phục cho tiềm năng to lớn của mô hình thể thao học đường khi được đầu tư đúng hướng và vận hành bằng tư duy chiến lược.

Điểm sáng hiếm hoi

Câu chuyện về đội bóng Văn Hiến là điểm sáng giữa một bức tranh còn nhiều mảng sẫm của thể thao học đường. Từ “sân trường” bước ra “sân chơi chuyên nghiệp”, các cầu thủ của Văn Hiến mang theo hành trang là kiến thức, kỹ năng và cả một hệ sinh thái thể thao được thiết lập bài bản trong lòng nhà trường.

Đây là một trong rất ít mô hình tại Việt Nam hiện nay cho thấy thể thao học đường hoàn toàn có thể trở thành vườn ươm bền vững cho bóng đá, và rộng hơn là thể thao thành tích cao nếu được đầu tư nghiêm túc, có tầm nhìn dài hạn và sự liên kết hiệu quả giữa giáo dục, thể thao, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để từ “điểm sáng” thành “phong trào”, từ “đơn lẻ” thành “hệ thống”, thể thao học đường Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước.

Ý thức được tầm quan trọng của thể thao học đường, ngay từ năm 2019 một Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã được tổ chức.

Số liệu thống kê khi đó cho thấy cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đội ngũ giáo viên thể dục ở các trường còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Đặc biệt, ở bậc tiểu học, chỉ 20% số trường có giáo viên chuyên trách. Hầu hết các trường dạy chương trình cũ ban hành từ năm 2000, ít các hướng dẫn, các kỹ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa.

Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng so với yêu cầu, vừa yếu về kiến thức kỹ năng, đặc biệt kỹ năng hướng dẫn vận động và huấn luyện thực hiện phong trào thể thao, trong khi xã hội đang rất quan tâm.

Không chỉ thiếu người dạy, trường học cũng thiếu nơi để dạy. Số liệu thống kê cũng cho thấy, có tới 85% trường học trong cả nước không có sân tập thể thao; hơn 99% trường không có bể bơi và chỉ khoảng 20% trường có nhà tập đa năng đạt chuẩn.

Ở khu vực thành thị, việc mở rộng không gian cho giáo dục thể chất bị bó hẹp bởi quỹ đất; ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế hạn chế khiến các hạng mục cơ sở vật chất thể thao gần như bị “gác lại” vô thời hạn.

Trong bối cảnh ấy, nhiều tiết học thể chất trở thành “giờ giải lao kéo dài”; học sinh tập trung vào lý thuyết nhiều hơn thực hành; hoạt động thể thao trong trường học diễn ra hình thức, thiếu sinh khí; một bộ phận học sinh thậm chí coi giờ thể dục là... cơ hội để trốn học.

Điều đáng nói là, ở những nơi có tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa bài bản, học sinh không chỉ phát triển thể chất mà còn được rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng tinh thần đồng đội, nâng cao năng lực tư duy và cảm xúc.

Thiếu kết nối và chính sách nuôi dưỡng tài năng

Khác với các quốc gia có hệ thống thể thao học đường phát triển, tại Việt Nam, sự kết nối giữa ngành giáo dục với ngành thể thao, giữa nhà trường với trung tâm huấn luyện, giữa học sinh năng khiếu với môi trường đào tạo chuyên sâu còn rất hạn chế.

Việc phát hiện và tuyển chọn tài năng thể thao vẫn chủ yếu dựa vào phong trào Hội khỏe Phù Đổng hoặc các giải HSSV mang tính thời vụ, trong khi thiếu một cơ chế tiếp cận thường xuyên, bài bản, liên tục.

Câu chuyện CLB Đại học Văn Hiến bước lên hạng Nhất cho thấy một mô hình liên kết đáng để học hỏi. Nơi đây đã xây dựng được một hệ sinh thái thể thao có chiều sâu và chính sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục, huấn luyện và thi đấu đã giúp CLB tạo ra một thế hệ cầu thủ vừa có kiến thức, vừa có chuyên môn, đủ sức cạnh tranh ở cấp độ cao.

Thực tế cho thấy, chúng ta không thiếu HSSV tài năng trong thể thao. Nhưng những “mầm xanh” ấy rất dễ bị lãng quên nếu không có “mặt trời” là hệ thống chính sách phù hợp, “đất lành” là môi trường huấn luyện đạt chuẩn và “nước tưới” là sự đồng hành của thầy cô, gia đình và xã hội.

Trong khi CLB Văn Hiến là một mô hình thành công, thì tại hàng nghìn trường học trên cả nước, các đội tuyển thể thao học sinh vẫn gặp khó trong việc tổ chức luyện tập; các giải đấu vẫn bị coi là hoạt động phong trào; vận động viên là HSSV ít khi nhận được học bổng hay cơ hội phát triển tài năng tiếp theo giống như nhiều nước phát triển khác.

Ở Mỹ, với nền tảng thể thao học đường tốt nên thành phần các tuyển thủ quốc gia đa số xuất thân từ các trường học. Tại Olympic Paris 2024 có tới 75% VĐV Mỹ từng thi đấu ở giải đấu của trường đại học và ở Olympic Tokyo con số đó là 70%. Con số thống kê cũng cho thấy các VĐV xuất thân từ thể thao học đường của Mỹ đóng góp 80% tổng số huy chương Olympic cho đoàn thể thao nước này.

“Vườn ươm” còn bỏ ngỏ - ảnh 2
Nếu có chiến lược đúng và sự đầu tư bài bản, thể thao học đường sẽ là vườn ươm cho thể thao Việt Nam. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Cần một chiến lược đồng bộ

Để thể thao học đường thực sự trở thành nền móng cho thể thao thành tích cao, cần thiết lập một chiến lược toàn diện và đồng bộ hơn. Trước hết là nâng cao năng lực giáo viên thể chất thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu; bổ sung đội ngũ huấn luyện viên bán chuyên tại các trường học có phong trào mạnh; tiếp theo là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tối thiểu như sân chơi, nhà tập; xây dựng chương trình giáo dục thể chất đa dạng, hấp dẫn và linh hoạt; lồng ghép thể thao vào hoạt động ngoại khóa một cách thường xuyên thay vì thời vụ.

Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên năng khiếu thể thao thông qua học bổng; cơ chế liên kết nhà trường, câu lạc bộ, trung tâm huấn luyện; và tổ chức giải đấu theo hệ thống để học sinh được thi đấu, được ghi nhận và được phát triển theo lộ trình chuyên nghiệp. Thể thao học đường là “vườn ươm” cho thể thao chuyên nghiệp.

Nhưng nếu không có quy hoạch, không chăm bón đúng cách, thì những mầm non dù có tốt đến đâu cũng khó thành cây lớn. Câu chuyện CLB Văn Hiến là một tấm gương, là một mô hình mẫu đáng để nhân rộng, nhưng để có thêm nhiều Văn Hiến khác, chúng ta cần cả một sự chuyển mình mang tính hệ thống.

Bài toán thể thao học đường, vì thế, không thể giải bằng một vài cuộc thi hay một vài chính sách ngắn hạn mà cần sự đồng lòng từ nhiều phía: Ngành giáo dục, ngành thể thao, gia đình, nhà trường và cả doanh nghiệp.

Chỉ khi nào hội tụ đủ những yếu tố đó thì “vườn ươm” mới thật sự đơm hoa kết trái. Và giấc mơ đưa thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục sẽ không còn là điều xa vời.

 Phải coi kết quả môn giáo dục thể chất là một trong những điều kiện bắt buộc

Thể thao học đường có vai trò quan trọng, là nền tảng cho thể thao thành tích cao và công tác chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Trong thời gian qua, dù ngành VHTTDL đã phối hợp ngành GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành quan tâm đầu tư và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn, nhưng do nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực... nên việc phát triển thể thao học đường chưa được như mong muốn.

Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động giáo dục thể chất. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi của HSSV, trong đó chú trọng tập luyện bơi, võ cổ truyền, dân vũ thể thao và một số môn thể thao phù hợp khác.

Bên cạnh việc quan tâm phát triển mạnh các loại hình CLB thể dục, thể thao trường học, đổi mới phương pháp giáo dục thể chất, ngành GD&ĐT nên đổi mới về kiểm tra, đánh giá kết quả môn giáo dục thể chất và coi kết quả này là một trong những điều kiện bắt buộc để tuyển chọn vào trường và xét tốt nghiệp của HSSV ở mỗi cấp học.

Đây là giải pháp có tính đột phá nhằm thay đổi nhận thức và hành động của cha mẹ học sinh và toàn xã hội về việc vận động, khuyến khích trẻ em, HSSV hình thành thói quen tập luyện TDTT hằng ngày, tránh tình trạng coi môn học thể dục là môn học phụ.

(Bà NGUYỄN THỊ CHIÊN, Phó trưởng phòng Thể thao cho mọi người, Cục Thể dục thể thao Việt Nam)