Về Bình Định xem võ cổ truyền Việt Nam

VHO - Những ngày qua, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 8 diễn ra tại Bình Định đã thu hút 78 đoàn với 1.300 võ sư, võ sinh, 16 đoàn võ thuật đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, 29 đoàn võ thuật thuộc các tỉnh, thành trong cả nước và 33 đoàn trong tỉnh tham gia. Tất cả đã tạo nên một sắc màu, sức sống mạnh liệt của võ Việt.

Đặc biệt hàng ngàn người dân cũng như võ sinh, võ sư trong nước và thế giới chiêm ngưỡng nét đẹp, sự tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam từ việc biểu diễn, giao lưu giữa các đoàn võ thuật.

Gần như các võ sinh, võ sư không thể nào quên được buổi giao lưu, biểu diễn đặc sắc tại chùa Long Phước (huyện Tuy Phước). Buổi giao lưu hôm đó có 16 đoàn võ thuật trong nước và quốc tế tham gia, qua đó, không chỉ đem đến những đường quyền, bài võ đẹp mà còn lan tỏa tinh thần võ đạo, tình yêu võ cổ truyền Việt Nam.

Về Bình Định xem võ cổ truyền Việt Nam - Anh 1

Chị Zainab Cherrat cùng thành viên trong đoàn Văn Lang Võ Đạo (Maroc) biểu diễn đao pháp võ cổ truyền Việt Nam

Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước bày tỏ: Trong chương trình Liên hoan, Ban tổ chức đã bố trí các đoàn đến thăm và biểu diễn, giao lưu tại CLB Võ thuật Chùa Long Phước của huyện Tuy Phước - một mảnh đất giàu truyền thống thượng võ, nơi sản sinh ra nhiều môn phái võ thuật cổ truyền mà ngày nay đang tồn tại và phát triển ở địa phương. Chúng tôi hy vọng rằng, trong cuộc gặp gỡ, giao lưu lần này ở Bình Định nói chung và ở Tuy Phước nói riêng sẽ tạo cơ hội cho các đoàn võ thuật trong và ngoài nước có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm về võ thuật cổ truyền Việt Nam. “Qua đó sẽ tô đậm thêm tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, xây dựng một tình cảm tốt đẹp giữa những người hoạt động Võ Cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước”, ông Tân chia sẻ.

Là đơn vị có khá đông thành viên tham dự, đoàn võ thuật Văn Lang Võ Đạo (Maroc) biểu diễn với nhiều binh khí như gậy, nhuyễn tiên, côn nhị khúc, quạt... đặc biệt hấp dẫn khán giả. Chia sẻ cảm xúc khi đến Việt Nam để biểu diễn Võ cổ truyền, chị Zainab Cherrat (Maroc) cho hay: Tôi đã học võ cổ truyền Việt Nam 10 năm rồi, lúc tôi còn học ở trường đại học. Trong Võ cổ truyền Việt Nam, rất có nhiều loại binh kính để biểu diễn, song tôi vẫn thích khi múa với quạt. “Đất nước Việt Nam xinh đẹp và xứ sở Bình Định mến yêu này không còn xa lạ với tôi, vì đây là lần thứ tư tôi được vinh dự đến đây tham gia Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam và tôi rất vui mừng khi quay trở lại Việt Nam – cái nôi của võ thuật”, chị Zainab Cherrat vui nói.

Trong khi đó, ở Chùa Thiên Hưng (thị xã An Nhơn) cũng 12 đoàn võ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn. Những tiết mục võ thuật đặc sắc cũng được các võ sinh, võ sư phô diễn trước đông đảo khán giả. Chia sẻ về buổi biểu diễn, giao lưu võ thuật, ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn khẳng định: Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định lần này với chủ đề “Võ cổ truyền Việt Nam - Khát vọng vươn xa” tiếp tục tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, là sự tiếp nối, gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần phát triển nền võ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung, bảo tồn và phát huy tinh hoa võ thuật truyền thống mang đậm phong cách Bình Định nói riêng.

Về Bình Định xem võ cổ truyền Việt Nam - Anh 2

Đoàn võ thuật Tinh võ đạo Nga – Nga giao lưu, biểu diễn đặc sắc tiết mục múa quạt

Trao đổi với Văn Hóa, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: Trong một những nội dung chính của Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định lần thứ 8 đó là chương trình biểu diễn, giao lưu của các đoàn võ thuật quốc tế và trong nước được diễn ra từ ngày 3 - 4.8. Ở đó, các đoàn đã giới thiệu những nét đặc sắc, tinh hoa của từng môn phái võ bao gồm: quyền – binh khí cá nhân và tập thể, đối luyện, các tiết mục nội công, khí công, dưỡng sinh đặc sắc. Chương trình biểu diễn đã thu hút hàng ngàn lượt người đến xem tại 5 điểm: Chùa Long Phước huyện Tuy Phước, Chùa Thiên Hưng thị xã An Nhơn, Thiền Viện Thiên Hưng huyện Phù Cát, Đền thờ Đại Tư Đồ thuộc huyện Tây Sơn và Quảng trường Nguyễn Tất Thành TP Quy Nhơn.

Qua tám kỳ Liên hoan, lần này các đoàn đã có sự chuẩn bị rất công phu, thể hiện tính điêu luyện của từng cá nhân, trau chuốc trong từng động tác đã làm nên những nét đẹp đặc trưng của võ thuật, không pha trộn với các môn nghệ thuật khác, đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng hàng vạn người dân đất võ Bình Định.

Theo ông Chánh, Ban tổ chức các địa phương đã nỗ lực sắp xếp chương trình giao lưu giữa các võ đường tiêu biểu của địa phương cùng giao lưu với các đoàn trong và ngoài nước. Qua đó đã tạo điều kiện cho các đoàn trong và ngoài nước tìm hiểu về nét đặc trưng của võ Bình Định, đó là gắn liền với lao động, học tập; con người hòa quyện cùng với đất trời, cỏ cây, hoa lá. Để hiểu được người Bình Định học võ rất mộc mạc, không phô trương, hình thức, lấy võ đạo làm gốc; thể hiện tính chân chất, mộc mạc trong quan hệ; tính kiên cường, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Từ đó đã làm nên thương hiệu “Miền đất võ” lan tỏa khắp trong và ngoài nước.

THU SÂM - PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc