Vấn nạn đổ lỗi trọng tài
VHO- V.League 2019 trôi qua 10 vòng đấu, chưa ghi nhận nhiều sai sót “quá đáng” của các trọng tài. Tuy nhiên, chuyện mâu thuẫn giữa trọng tài với các CLB chưa bao giờ có hồi kết và đó chính là sự thiếu chuyên nghiệp của các đội bóng mang danh chuyên nghiệp.
Phản ứng trọng tài thái quá sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp của bóng đá Việt Nam
“Giương Đông, kích Tây”
V.League sau 19 mùa giải chuyên nghiệp hiện tại có thể khẳng định chỉ mang cái mác chứ chưa thể nói đúng tầm vóc về chữ chuyên. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến những phản ứng nghiệp dư trong rất nhiều trận cầu diễn ra mỗi cuối tuần trên dải đất hình chữ S. Điển hình nhất trong số đó là chuyện các CLB liên tục đổ lỗi cho trọng tài.
Điểm đặc biệt của bóng đá Việt Nam là dù thắng, hòa hay thất bại, các CLB đều có cớ để bắt tội “vua áo đen”. Ở trận hòa giữa TP.HCM và Quảng Nam ở vòng 9, trọng tài Nguyễn Quốc Hưng bị chỉ trích vì không thổi quả 11m cho đội chủ sân Thống Nhất. Tuy nhiên xem lại pha bóng đó, không nhiều trọng tài dám ra quyết định thổi phạt. Trước đó, ông Quốc Hưng đã đuổi tiền đạo Hà Minh Tuấn của Quảng Nam, nhưng TP.HCM không thể có thêm bàn thắng trong 2/3 thời gian còn lại của trận đấu. Cuối trận, trọng tài đã cho Quảng Nam hưởng quả 11m sau lỗi của hậu vệ chủ nhà. Tình huống được thừa nhận chính xác. May cho TP.HCM là họ không thủng lưới sau quả đá của Thanh Trung và nhận trận hòa 1-1. Tuy nhiên sau trận đấu, HLV Chung Hae Soung vẫn chỉ trích trọng tài. Cũng ở vòng đấu này, HLV Lê Huỳnh Đức chỉ đích danh trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh đã thổi bất lợi cho đội nhà trong trận thắng Sanna Khánh Hòa BVN. Điều trớ trêu là không chỉ nói về trận đấu đó, HLV Lê Huỳnh Đức còn gợi lại những trận đấu trong quá khứ cho rằng bị ông Khanh bắt ép. Tuy nhiên, người làm chuyên môn đã bác bỏ những chỉ trích của cựu tuyển thủ quốc gia này.
Nguyên Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi đã đưa ra nhận định “kinh điển” của mình khi còn tại vị: “Các đội bóng còn không tin nhau thì làm sao họ tin trọng tài”. Ông Mùi không nói cụ thể trường hợp nào nhưng giới chuyên môn thừa hiểu những “con sóng ngầm” đằng sau hậu trường giữa các CLB. Khi bóng đá nội quá quen với những câu chuyện “3 đi, 3 về”, thì chuyện đổ lỗi trọng tài là cái kết không thể tránh khỏi.
Đổ lỗi trọng tài để “giương Đông, kích Tây”, lái dư luận sang góc nhìn tiêu cực sang trọng tài thay vì hoài nghi đội bóng đó có vấn đề là điều các đội bóng dễ “nghĩ” nhất. Điển hình như trận đấu giữa Hà Nội và HAGL trên sân Pleiku năm ngoái. Trọng tài Ngô Duy Lân đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Chiếc thẻ đỏ của Thành Lương vì lỗi xúc phạm ông Duy Lân là đúng, nhưng BHL CLB Hà Nội đã phản ứng rất dữ dội. Đội bóng thủ đô khiến CĐV bức xúc dù rằng họ cố tình đổ vấy cho trọng tài Lân. Trong năm đó, ông Lân nhận được chiếc “Còi vàng” do đội ngũ làm nghề bình chọn.
Học thêm văn hóa cuộc chơi
Và chỉ một năm sau, cũng trong trận đấu có mặt Hà Nội trên sân Bình Dương, trọng tài Duy Lân đã nhờ chiếc băng đội trưởng của chính Thành Lương để cứu mạng cho hậu vệ Thiện Đức của đội chủ nhà. Hành động của ông Duy Lân được khen nức nở và khiến dân trong nghề mát mặt.
Tuy nhiên, quay trở lại các trận đấu ở V.League, giới trọng tài, đặc biệt là các “vua áo đen” trẻ tuổi rất gai ốc khi làm việc ở môi trường đỉnh cao nhất bóng đá Việt. Một trọng tài trẻ tâm sự với người viết rằng, việc được làm trọng tài ở V.League là một cơ hội để trưởng thành cùng niềm đam mê với công việc và cũng là cơ hội để giúp đỡ tài chính cho gia đình. Với mức thu nhập chưa tính thuế của trọng tài chính ở V.League là 8 triệu đồng, hạng Nhất là 6 triệu đồng; trợ lý ở V.League (6 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng), giám sát ở V.League (6 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng). Đó là mức đãi ngộ hấp dẫn trong mặt bằng xã hội hiện tại, chưa tính thêm các khoản vé máy bay và hỗ trợ ăn uống từ VFF. Việc bị chỉ trích nặng nề nếu đúng thì chấp nhận, nhưng đội ngũ trọng tài còn bị mắng vô tội vạ thì rất ức chế. Trên sân cỏ, ngoài áp lực của hai đội, trọng tài còn phải nhận vô số lời không đẹp từ CĐV trên khán đài. Nghề trọng tài vì thế như làm dâu trăm họ và rất khó để chu toàn. Nhưng vì cuộc sống, họ phải nhắm mắt “thôi thì rồi cũng sẽ qua”.
Có lẽ trong lịch sử bóng đá, chưa có quốc gia nào phải ban hành nhiều văn bản nhắc nhở việc hành xử của các CLB sao cho xứng với cái mác chuyên nghiệp họ đang mang. Riêng ở V.League và giải hạng Nhất Việt Nam, điều đó diễn ra như cơm bữa. Rất hiếm hoi những sự cố chỉ trích “vua áo đen” bị xử lý chuẩn mực. Ở những nền bóng đá tiên tiến, việc bảo vệ trọng tài là một trong những quy định rất khắt khe. Bất cứ chỉ trích nào cũng dễ dẫn đến án phạt rất nặng. Bởi nếu đã chấp nhận cuộc chơi, đội bóng đó phải chấp nhận sự điều hành của BTC. Mà khi đã không có án phạt nặng thì căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt, chuyện những CLB cứ thế đổ tại trọng tài là chuyện sẽ lặp đi lặp lại.
Có một con số thống kê rằng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang thiếu trọng tài trầm trọng. Nhiều người trẻ không hứng thú gì với công việc đối diện với áp lực và liên tục bị chỉ trích. Con số thống kê này không hề giúp ích cho nền bóng đá và khi các CLB không chịu học thêm văn hóa chấp nhận cuộc chơi, rất khó cho sự phát triển.
VÂN LINH